Bắt mắt như những viên kẹo
Thuốc giặt được chứa trong các viên nhỏ bọc plastic lấp lánh, trông chẳng khác những viên kẹo hấp dẫn đối với trẻ em khiến chúng tưởng lầm nên bỏ vào miệng ăn. Còn nhớ vào cuối năm 2015, bé gái Jenny Maher 17 tháng tuổi ở Ireland đã tưởng viên giặt quần áo là kẹo. Tuy chỉ ngậm có vài giây, cơ thể bé đã phản ứng dữ dội. Cô bé đã gào khóc, liên tục nôn mửa và đưa đi vào bệnh viện ngay lập tức.
Tại đây, các bác sĩ cho biết, may mắn là người mẹ đã kịp thời đưa bé đến bệnh viện khi con có triệu chứng khó thở. Nếu để muộn hơn, tính mạng của Jenny khó có thể cứu được. Đồng thời, các bác sĩ thừa nhận, đây là trường hợp ngộ độc nặng nhất mà họ từng chữa trị. Một giờ sau khi nhập viện, Jenny đã được chuyển đến bệnh viện tuyến trên do các bác sĩ lo ngại em bị bỏng thực quản, và em hôn mê suốt một tuần sau.
Còn tại Việt Nam, gần đây những viên nước giặt bắt đầu được người tiêu dùng chú ý. Trên các trang rao vặt, trang bán hàng có rất nhiều loại viên nước giặt được rao bán. Giá một hộp viên nước giặt xả dao động từ 100.000 - 700.000 đồng tùy loại. Ví dụ, viên giặt xả Tide Boost gói 220g, loại 10 viên nhỏ có giá 120.000 đồng. Viên giặt Tide Pods gói 40 viên xuất xứ xách tay từ Mỹ được bán rộng rãi với giá 370.000 đồng. Viên giặt Viên giặt Tide Pods 72 viên Free & Gentle thậm chí được bán với giá 680.000 đồng.
Trong khi đó, viên giặt Ariel của Nhật Bản hộp 18 viên, được quảng cáo công dụng “3 trong 1” hiện đang được bày bán với mức giá vào khoảng 150.000 đồng. Các sản phẩm này chưa được phân phối chính thức ở Việt Nam. Người tiêu dùng tiếp cận chủ yếu mua qua kênh hàng xách tay.
Tại Việt Nam, số ca ngộ độc viên nước giặt đã từng được cảnh báo. Với tốc độ sử dụng sản phẩm này như hiện nay, nguy cơ ngộ độc cho trẻ gia tăng là hoàn toàn có thể.
Nguy hiểm nào có thể xảy ra?
Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng Việt Nam khi sử dụng viên nước giặt. Theo đơn vị này, viên nước giặt nhìn rất hấp dẫn đối với trẻ em, nếu không sử dụng và bảo quản một cách an toàn sẽ dẫn đến nguy hiểm nghiêm trọng. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, viên nước giặt trông rất giống bánh phu thê/bánh su sê – một loại bánh truyền thống của Việt Nam.
Cũng theo đơn vị này, về mặt cảm quan, có thể thấy viên nước giặt khá giống các loại bánh, kẹo dành cho trẻ em: kích cỡ nhỏ - trẻ 3 tuổi có thể nắm gọn trong lòng bàn tay, màu sắc sặc sỡ, được đóng gói trong núi ni-long trong suốt, căng tròn,… Vì thế, trẻ em rất dễ nhầm lẫn đây là bánh kẹo và có nguy cơ trẻ sẽ cắn, nuốt sản phẩm nếu không có sự trông chừng của người lớn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ ăn phải viên nước giặt ngoài nôn mửa, một số nạn nhân còn khò khè, khó thở, ngủ li bì, hôn mê, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, mắt là bộ phận dễ bị tổn thương như viêm giác mạc. Do đó, nếu sử dụng viên nước giặt nên để trên cao, xa tầm nhìn và tầm tay của trẻ em. Nếu trẻ vô tình tiếp xúc với sản phẩm qua đường miệng hoặc qua da, cần sơ cứu và nhanh chóng đưa tới bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.