Bộ Y tế đã có yêu cầu xử lý nghiêm việc bác sĩ BV Mắt Trung ương gác chân lên ghế giải thích cho người nhà bệnh. Nhưng dưới góc độ một đồng nghiệp, một người dân, bác sĩ Trần Văn Phúc (BV Xanh-Pôn, Hà Nội) chia sẻ:
"Tôi đã xem đi xem lại đoạn clip. Tôi đã từng khám cho hàng trăm bệnh nhân/ngày, từng mệt mỏi đến mức mất hết phản xạ giữ gìn hình ảnh cá nhân.
Khi tôi đang là sinh viên năm thứ 3 đi trực ngoại ở Xanh-Pôn, phụ mổ cả ngày mệt quá, đêm muộn tôi nằm ngủ như chết. Một nữ sinh viên Y6 phụ mổ sau tôi, khi trở về phòng không có giường để nghỉ, cũng vì quá mệt mà chấp nhận tráo đầu đuôi, lấy cái chăn chèn vào giữa để nằm chung cái giường một với tôi.
Thời đó, một ai đó bên ngoài với chiếc điện thoại thông minh trên tay, có lẽ một bộ phim nóng đã được tạo ra trên Facebook.
Các bác sĩ không được phép mệt mỏi! Đó là lí do để bác sĩ dù đã kiệt sức nhưng vẫn phải cố nở nụ cười với người bệnh, cố nghe những lời chửi bới, cố nhẹ nhàng giải thích cho gia đình bệnh nhân hiểu.
Hành động co chân lên ghế của bác sĩ Minh cũng thế, có thể cảm thông với người phụ nữ chỉ còn 2 năm nữa sẽ nghỉ hưu".
Cá nhân nào cũng có quyền quay phim chụp ảnh bất cứ người nào khác ở nơi công cộng. BV cũng được coi là nơi công cộng. Tuy nhiên, các BV vẫn có thể ban hành những quy tắc liên quan đến tài sản và con người của họ, như việc cấm quay phim chụp ảnh.
Rõ ràng, trong câu chuyện ở BV Mắt Trung ương, cháu bé 8 tuổi đã được bác sĩ Minh khám xong. Bác sĩ đang khám tiếp cho cháu bé khác, nhưng hai người đàn ông vẫn xông vào gây sự.
Hành động ấy có thể coi là cố ý xâm phạm quyền riêng tư của một bệnh nhi khác đang được bác sĩ khám. Đó cũng là hành động cố ý xâm phạm quyền riêng tư của bác sĩ Minh, bởi việc quay clip bác sĩ Minh không hề hay biết.
Chưa kể, việc quay phim chụp ảnh với mục đích nào đó, với nội dung sai lệch mà không được sự đồng ý của bác sĩ.
Việc bác sĩ Minh gác chân lên ghế trong lúc người nhà bệnh nhân điều qua tiếng lại, chỉ là hành động có tính chất riêng tư. Đồng ý rằng đó là hành động không đẹp và không chuyên nghiệp, nó cần chấm dứt. Nhưng nó không vi phạm đạo đức và quy chuẩn ứng xử giao tiếp.
Người nhà bệnh nhân có thể hợp tác để nghe bác sĩ Minh giải thích thêm về tình trạng bệnh tật của con, có thể góp ý nhẹ nhàng với hành vi gác chân của bác sĩ, thay vì quay clip rồi phát tán trên mạng với mục đích tiêu cực, để sự việc bị đẩy đi quá xa, vượt khỏi tầm kiểm soát.