Theo đó, khi đạt đến giới hạn thời gian này, người dùng trẻ tuổi sẽ được yêu cầu nhập mật khẩu nếu họ muốn tiếp tục xem các video TikTok. Ngoài ra, thanh thiếu niên sẽ có thể chọn không tham gia tính năng nêu trên nếu muốn, nhưng ứng dụng sẽ nhắc họ đặt giới hạn sử dụng nếu dành "hơn 100 phút cho TikTok trong một ngày". Cha mẹ và những người lớn khác có thể theo dõi lượng thời gian mà con em mình dành cho ứng dụng, với phân tích thời gian sử dụng vào ban ngày và ban đêm, cũng như số lần ứng dụng được mở.
Những thay đổi này được thực hiện với sự tư vấn từ Phòng thí nghiệm Sức khỏe Kỹ thuật số tại Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ). “Những tính năng mới này nhằm giúp các gia đình thiết lập một cuộc đối thoại liên tục về sự an toàn và hạnh phúc trong thế giới kỹ thuật số.
TikTok sẽ tiếp tục đầu tư vào việc cải thiện các tính năng hiện tại cũng như giới thiệu các công cụ mới, để giúp người dùng kiểm soát khi họ thể hiện sự sáng tạo, tạo kết nối có ý nghĩa và tận hưởng việc giải trí”, thông báo từ TikTok cho biết.
Đây là thời điểm quan trọng để TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc), chứng minh rằng họ đang làm tất cả những gì có thể để trở thành một không gian an toàn cho người dùng. Công ty đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ, có thể dẫn đến việc ứng dụng bị cấm ở một số thị trường lớn trên thế giới.
Những quy định mới cũng đang được áp dụng cho Douyin (TikTok Trung Quốc). Tại Trung Quốc, ByteDance có cài đặt giới hạn thời gian sử dụng 40 phút mỗi ngày cho người dưới 14 tuổi và ngăn không cho sử dụng hoàn toàn từ 22h đến 6h sáng hôm sau hằng ngày. Những hạn chế đó dễ thực thi hơn ở Trung Quốc, nơi có những quy định nghiêm ngặt về đăng ký tên thật khi sử dụng ứng dụng này.
Đối với TikTok, thời gian mọi người dành cho ứng dụng vừa là mốc son, vừa tạo nên tranh cãi lớn. Theo báo cáo từ Sensor Tower năm 2022, TikTok dẫn đầu ngành truyền thông xã hội, khi người dùng dành trung bình 95 phút mỗi ngày để sử dụng, cao hơn nhiều so với thời gian cho YouTube (74 phút) hay Instagram (51 phút).