Giám đốc Vận tải hàng không của Bộ Giao thông Vận tải Indonesia, Maria Kristi Endah Murni, cho biết, vụ phun trào của núi Agung còn ảnh hưởng tới 51 chuyến bay với ít nhất 3.000 hành khách tại Sân bay Quốc tế Lombok, là đảo du lịch gần Bali.
Đến sáng 28.11, nhà chức trách tuyên bố sân bay quốc tế ở Bali sẽ đóng cửa thêm 24 giờ nữa trước khi có tình hình mới. Người dân địa phương và du khách bị mắc kẹt trên hòn đảo đã được phát mặt nạ đặc biệt vì lo ngại về vụ phun trào lớn sắp xảy ra. Hiệp hội nhà hàng và khách sạn của Indonesia cho biết khách du lịch mắc kẹt tại khách sạn có thể ở lại miễn phí.
Chính phủ Indonesia hiện đã chuẩn bị khoảng 100 xe buýt đưa đón tại Bali và Tây Nusa Tenggara nhằm cung cấp các phương tiện vận chuyển thay thế cho hành khách bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào núi lửa Agung.
Bên cạnh đó, cũng có một số sân bay được chuẩn bị sẵn sàng để chuyển hướng các chuyến bay thuộc nhóm đến Bali, như Sân bay Juanda của Surabaya, Lombok Praya Airport, Sultan Hassanudin của Makassar, sân bay Adi Soemarmo của Solo, sân bay Ahmad Yani của Semarang và sân bay Adi Soetjipto của Yogyakarta.
Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG) đã nâng tình trạng cảnh báo của núi Agung lên mức cao nhất, cho thấy mối nguy hiểm từ việc núi lửa phun trào.
Núi Agung có lịch sử phun trào mạnh với vụ phun trào lớn cuối cùng vào năm 1963, làm hơn 1.100 người thiệt mạng. Ngọn núi này có độ cao hơn 3.000 m, bắt đầu “thức dậy” trở lại vào tháng 9.2017 và phun trào khói bụi khiến cho hàng nghìn người dân trong khu vực bán kính 10 km từ đỉnh núi phải sơ tán.
Một số người Việt Nam bị mắc kẹt tại Bali do núi lửa, trong đó chủ yếu là khách du lịch. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã cung cấp thông tin và hỗ trợ một số người cần giúp đỡ. Ít nhất có bảy du khách người Việt Nam đã an toàn rời khỏi Bali và 24 người còn đang bị kẹt lại đã được hỗ trợ cung cấp thông tin cần thiết để nhanh chóng rời khỏi hòn đảo này.