CNA dẫn lời bà Isabel Ortiz, ủy viên Văn phòng Thanh tra quốc gia về quyền phụ nữ - một cơ quan độc lập giám sát nhân quyền ở Peru, hôm 4.8 cho biết, các hồ sơ dữ liệu về người mất tích phải được lưu giữ để theo dõi, bất kể họ được tìm thấy còn sống hay đã chết và họ là nạn nhân của nạn buôn bán tình dục, bạo lực gia đình hay sát hại phụ nữ. Do đó, bà Ortiz đang kêu gọi việc thu thập bộ dữ liệu thông tin người mất tích để giải quyết tình trạng số lượng người mất tích đáng báo động hiện nay.
Tổng cộng có 915 người gồm 606 bé gái và 309 phụ nữ, đã được báo cáo mất tích ở Peru trong quá trình phong tỏa chống dịch COVID-19 từ 16.3 đến 30.6, bà Ortiz cho hay. Bà cũng cảnh báo rằng, các con số rất đáng báo động nhưng lại không có thông tin chi tiết các trường hợp có được tìm thấy hay không, còn sống hay đã chết.
Một số người có thể là nạn nhân của các tội ác bạo lực như bạo hành gia đình hoặc các vụ giết hại phụ nữ và "trong một số trường hợp, người đi thông báo mất tích chính là thủ phạm gây tội ác", bà Ortiz nói.
Dữ liệu thông tin về người mất tích sẽ cho phép tham khảo chéo thông tin với các vụ phạm tội khác đối với phụ nữ để giúp tìm người mất tích và xác định các nghi phạm tiềm năng, theo bà Ortiz .
Tuần trước, Bộ Phụ nữ Peru cho biết, 1.200 phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo mất tích trong khi xảy ra đại dịch - con số cao hơn hẳn do bao gồm cả tháng Bảy.
Bộ này cho hay, chính phủ đang nỗ lực xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và đã tăng ngân sách tài trợ trong năm nay cho các chương trình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Một số quốc gia trên toàn thế giới cũng báo cáo sự gia tăng bạo lực gia đình trong quá trình thực hiện cách ly xã hội chống dịch COVID-19, khiến Liên Hợp Quốc phải lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp của các chính phủ.