Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vestnik Archeologii, Anthropologii I Ethnographii của Nga, nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Liên bang Ural đã khám phá ra một hộp sọ gấu trong hang động Imanay, trên đó có một lỗ thủng dường như được tạo ra do một ngọn giáo đâm vào đầu khoảng 35.000 năm trước.
Theo các nhà nghiên cứu, con gấu nhỏ thuộc loài gấu hang động, khoảng từ 9 đến 10 tuổi tại thời điểm nó bị giết khi đang ngủ đông ở cuối kỷ băng hà (cách đây khoảng 115.000 đến 11.700 năm trước).
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng lỗ thủng có thể xuất hiện do nguyên nhân tự nhiên như ''một viên đá rơi xuống đầu gấu, hoặc nước nhỏ vào hộp sọ trong suốt hàng nghìn năm'' - Dmitry Gimranov, nhà nghiên cứu cấp cao của phòng thí nghiệm chi nhánh Ural thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Đại học Liên bang Ural, cho biết trong một tuyên bố.
''Nhưng điều này rất khó xảy ra. Nhiều khả năng con vật đã bị giết bởi người cổ đại'' - ông nói thêm.
Hộp sọ gấu trong hang động là một trong số hơn 10.000 bộ xương từ thời kỳ Pleistocen muộn được phát hiện trong 3 năm khai quật tại Vườn quốc gia Bashkiria.
Kỷ băng hà gần đây nhất xảy ra trong kỷ Pleistocen, bắt đầu cách đây 2,8 triệu năm và kéo dài đến 11.700 năm trước.
Các di tích hóa thạch còn lại bao gồm hàng nghìn mảnh xương từ cáo đỏ, voi ma mút, sư tử hang động và tê giác lông mượt.
Để xác định xem con gấu có bị giết hay không, các nhà khoa học đã xác định ngày chiếc lỗ được tạo ra - vào thời điểm con vật còn sống hay đã chết.
Nếu lỗ thủng được tạo ra trên hộp sọ của con gấu sau khi nó chết, đó có thể là bằng chứng của một nghi lễ phổ biến trong thời kỳ đó.
Hộp sọ cũng được tìm thấy gần nơi phát hiện bằng chứng về sự cư trú của con người trong thời kỳ Pleistocen, điều này hỗ trợ quan điểm cho rằng con vật đã bị loài người sát hại trong khi ngủ.
Con người trong thời Pleistocen đã săn bắt các loài động vật lớn cho cả một cộng đồng, vì vậy một con gấu nhỏ là một con mồi hiếm trong thời gian này.
Tuy nhiên, ông Gimranov cũng lưu ý rằng những con người cổ đại này có sức mạnh đến mức họ có thể dùng giáo đâm xuyên sọ gấu ở cự ly gần một cách tương đối dễ dàng.
Gấu hang động sinh sống trên lãnh thổ phía bắc Á-Âu thời kỳ Pleistocen muộn, dao động từ 250.000 đến khoảng 10.000 năm trước. Những loài động vật này thường được tìm thấy ở Tây Âu, Caucasus và Ural.
Nhiều cuộc khai quật đã tìm thấy cả hài cốt của loài gấu hang động cổ đại và của con người lẫn lộn bên trong các hang động, vì vậy phát hiện mới này không có gì lạ.
Tuy nhiên, con gấu hang động nhỏ thời kỳ Pleistocen không phải là loại quá phổ biến. Con vật nặng tới gần 1.000kg, lớn nhất có thể so sánh với gấu Kodiak được tìm thấy ở Alaska.
Bộ xương hóa thạch đầu tiên của một con gấu hang động được khai quật ở Anh vào năm 1922.