Theo Reuters, chương trình triển khai tiêm chủng cho khu vực tư nhân do chính phủ Indonesia đề xuất - cho phép doanh nghiệp tư nhân tự bỏ chi phí mua vaccine COVID-19 để tiêm cho các công nhân của họ - được cho là giúp tăng tốc tiêm chủng vaccine COVID-19 và giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính phủ, đồng thời khởi động các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.
Hiện đã có tới 4.000 doanh nghiệp, nhiều trong số đó là doanh nghiệp dệt may, đã đăng ký tham gia chương trình. Thời hạn đăng ký bắt đầu từ tuần trước, sẽ kết thúc vào ngày 17.2.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế đang lo ngại về nguy cơ dẫn đến tình trạng bất công nếu những người lao động cuối cùng lại được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 hơn những bộ phận dân cư dễ bị tổn thương.
Kế hoạch đã được đề xuất bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia vào tháng 1 và hiện Bộ Y tế nước này vẫn đang nghiên cứu các dự thảo quy định và vẫn chưa thông qua.
Theo quan điểm của cơ quan chức năng, các nhà máy ở Indonesia hiện đang hoạt động với một nửa công suất có thể trở lại hoạt động bình thường sau khi các công nhân được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Indonesia đang phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất ở Đông Nam Á, với hơn 1,23 triệu ca nhiễm và khoảng 33.590 ca tử vong. Nền kinh tế nước này đã bị sụt giảm 2,1% vào năm 2020, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ.
Nếu kế hoạch triển khai tiêm chủng cho doanh nghiệp tư nhân được thông qua, Indonesia sẽ nằm trong số ít các quốc gia cho phép các doanh nghiệp tự chi trả tiền mua vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên của họ. Việc bán vaccine COVID-19 tại thị trường tư nhân được cho phép ở Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và UAE, nhưng số lượng bán ra rất nhỏ do các nhà sản xuất ưu tiên nguồn cung cho các chính phủ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, Rosan P. Roeslani, nhấn mạnh rằng, chương trình đề xuất của Indonesia sẽ không sử dụng vaccine đã được chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng đại trà của chính phủ mà sẽ xem xét đặt mua các loại vaccine khác như Sinopharm của Trung Quốc, Moderna và Sputnik V đang được xem xét. Việc mua vaccine COVID-19 phải thông qua công ty dược phẩm sinh học Bio Farma thuộc sở hữu của nhà nước Indonesia.
Đối với chương trình tiêm chủng đại trà, Indonesia đã ký hợp đồng mua vaccine COVID-19 đủ để tiêm chủng cho khoảng 115 triệu người thông qua các thỏa thuận với Sinovac, AstraZeneca và Novavax.
Chính phủ Indonesia đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là trong vòng 15 tháng sẽ tiêm chủng cho 181,5 triệu dân, tương đương 2/3 dân số đất nước.