Lũ lụt ảnh hưởng đến tiêu dùng
Trung Quốc đã tránh được suy thoái sau khi nền kinh tế tăng 3,2% trong quý 2 năm 2020 - nền kinh tế lớn đầu tiên cho thấy sự phục hồi từ dịch COVID-19 sau khi GDP quý 1 lần đầu tiên giảm tới 6,8%.
Nhưng tỉ lệ tiêu dùng - bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh - vẫn là một điểm yếu của Trung Quốc sau bán lẻ, giảm 1,8% trong tháng 6, mặc dù đã cải thiện so với mức giảm 2,8% trong tháng 5.
"Tiêu dùng vẫn còn yếu. Doanh số bán lẻ đang ổn định, nhưng ngay cả trong tháng 6, vẫn ở dưới mức được ghi nhận cùng thời điểm năm 2019" - SCMP dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings Châu Á-Thái Bình Dương Shaun Roache cho biết.
Bên cạnh đó, con đường phục hồi của Trung Quốc có thể bị kìm hãm bởi những đợt mưa lũ trong 2 tháng qua, phá vỡ hoạt động sản xuất và xây dựng - động lực chính cho sự tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 2.
Zhao Qinghe, nhà thống kê cấp cao tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, các công ty nhỏ tiếp tục đối mặt với áp lực về cả cung và cầu.
"Một số doanh nghiệp báo cáo rằng, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã gây ra sự gián đoạn cho hậu cần và giao thông vận tải, cùng với các vấn đề như lũ lụt trong các nhà máy, thiết bị và hàng tồn kho" - ông Zhao nói.
Chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc trong tháng 7 là 51,1, trong khi PMI phi sản xuất là 54,2.
Các nhà phân tích cho biết, nhu cầu yếu và các biện pháp phong tỏa ở một số khu vực ở Trung Quốc để ngăn chặn làn sóng COVID-19 tiếp theo cũng tăng thêm áp lực đối với tiêu dùng.
"Những trận lụt đã tàn phá nhiều nơi. Nhưng tôi nghĩ rằng, ở cấp độ kinh tế vĩ mô, thiệt hại do lũ lụt không đủ lớn để thực sự ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, nó có thể có một số tác động đến giá lương thực, nhưng điều đó là ngắn hạn và không đáng kể" - ông Louis Kuijs, chuyên gia cao cấp về kinh tế Châu Á tại Oxford Economics nói.
"Tôi nghĩ rằng dịch bệnh COVID-19 có khả năng có tác động lớn hơn về mặt kinh tế vĩ mô, vì dịch bệnh ở một nơi có thể ảnh hưởng đến hành vi của người dân trên toàn quốc, khiến mọi người không muốn ra ngoài và tham gia các hoạt động một cách bình thường" - ông Kuiji phân tích.
Chính phủ Trung Quốc ước tính thiệt hại do lũ lụt ở 27 tỉnh có khả năng lên tới 144,43 tỉ nhân dân tệ (20,6 tỉ USD).
"Thảm họa lũ lụt năm nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt ở một số khu vực" - phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Liu Aihua bình luận về sự phục hồi kinh tế quý 2 của Trung Quốc.
Trong khi đó, lũ lụt chưa qua, Trung Quốc lại đang tiếp tục hứng chịu những cơn bão mới. Ngày 2.8, miền đông Trung Quốc nâng cảnh báo khẩn cấp bão Hagupit lên mức 3 - cơn bão số 4 trong năm tấn công Trung Quốc.
Công ty chứng khoán Huatai Securities cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng, đầu tư tài sản cố định trong tháng 7 có thể giảm nhẹ từ 5,3% xuống khoảng 4-4,5%, do đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản giảm vì mưa lũ.
Làn sóng COVID-19 thứ hai
Trong tuần qua, Trung Quốc ghi nhận số ca COVID-19 mới cao nhất trong hơn 3 tháng rưỡi, phần lớn ở Tân Cương.
Ít nhất 9 thành phố của Trung Quốc cũng đã báo cáo các ca nhiễm liên quan đến Đại Liên, thành phố cảng ở tỉnh Liêu Ninh, nơi một cụm dịch mới xuất hiện trong tuần qua.
Các nhà phân tích của Công ty Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) cho biết trong một báo cáo hôm 29.7 rằng, làn sóng lây nhiễm mới ở Trung Quốc và các quốc gia khác có thể gây thiệt hại cho tiêu dùng.
Sau khi Bắc Kinh bùng phát các ca COVID-19 mới vào tháng 6, doanh số bán lẻ tại thủ đô đã giảm 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm trong tháng 5 là 18%.
Kể từ tháng 7, làn sóng thứ 2 của COVID-19 ở Bắc Kinh về cơ bản đã được kiểm soát, nhưng một làn sóng mới đã nổ ra ở Tân Cương và Liêu Ninh, báo cáo của CICC cho biết. Nếu nhiều tỉnh trải qua đợt bùng phát thứ hai trong tương lai, việc phục hồi tiêu dùng nội địa sẽ bị chậm lại.