Sau tuyên bố Mỹ rút khỏi UNESCO được Bộ Ngoại giao nước này công bố ngày 12.10, thông qua người phát ngôn, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ nhất là khi "xem xét vai trò to lớn của Mỹ trong UNESCO kể từ khi tổ chức này được thành lập".
Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova cũng nói rằng việc Mỹ rút lui khỏi tổ chức nhằm thúc đẩy giáo dục hòa bình và bảo vệ các nền văn hóa của Liên Hợp Quốc sẽ là một tổn thất cho Liên Hợp Quốc và "mất mát cho chủ nghĩa đa phương" trong bối cảnh "vào thời điểm các cuộc xung đột đang phá hủy sự bình yên của các xã hội trên toàn thế giới”.
Theo Financial Express, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Miroslav Lajcak quan ngại hành động của Mỹ "có thể có những tác động tiêu cực đến những công việc quan trọng của UNESCO". Ông nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong hợp tác đa phương và nhắc lại sự cần thiết phải tiếp tục cùng tham gia vào những nhiệm vụ của UNESCO.
Tương tự, Pháp lấy làm tiếc về quyết định rút lui "vào thời điểm sự hỗ trợ quốc tế cho tổ chức này là yếu tố mang tính quyết định". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes Romatet-Espagne nhấn mạnh tầm quan trọng của UNESCO với Pháp và nhắc lại cam kết của Paris đối với tổ chức này. Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ không rời UNESCO. Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc nói rằng cộng đồng quốc tế "cần một nước Mỹ luôn cam kết với các vấn đề thế giới".
Trong khi đó, theo Reuters, phía Nga cảnh báo việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng. "Chúng tôi chia sẻ mối lo ngại chung của nhiều quốc gia rằng hoạt động của UNESCO thời gian gần đây có dấu hiệu bị chính trị hóa", Bộ Ngoại giao Nga công bố trong ngày 12.10.
"Chúng tôi hy vọng Tổng giám đốc mới sẽ thực hiện mọi nỗ lực thay đổi tình hình hiện tại và tập trung vào các vấn đề nhân đạo. Điều này sẽ cho phép chúng ta tiếp tục hợp tác có lợi trong lĩnh vựcthuộc phạm vi của UNESCO với tất cả các nước, trong đó có Mỹ", thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu thêm.