Cam kết của Mỹ với đồng minh và đối tác khu vực
Kế hoạch công du Châu Á ban đầu của ông Pompeo bao gồm cả Mông Cổ và Hàn Quốc, nhưng đã bị cắt ngắn chỉ còn Nhật Bản sau khi Tổng thống Donald Trump xét nghiệm dương tính với COVID-19.
“Ngoại trưởng Michael Pompeo tới Tokyo, Nhật Bản từ 4 đến ngày 6.10” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đồng thời nói thêm rằng các cuộc họp đã lên kế hoạch với bộ trưởng ngoại giao bốn nước tại Tokyo sẽ tập trung vào các vấn đề cấp bách của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Cuộc họp ở Tokyo của nhóm các nước Bộ Tứ - Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - sẽ là cuộc họp thứ hai của nhóm sau cuộc họp đầu tiên do ông Pompeo tổ chức tại Washington vào tháng 9 năm ngoái.
“Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo thể hiện cam kết mạnh mẽ của Washington với các đồng minh và đối tác trong khu vực” - Reuters dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á, David Stilwell, cho biết hôm 2.10.
Ông Stilwell khẳng định, Mỹ coi quyết định của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đón tiếp Ngoại trưởng Pompeo như một sự tái khẳng định quan hệ đối tác ngày càng bền chặt.
Theo ông Stilwell, cuộc họp cấp bộ trưởng của Nhóm Bộ Tứ ngày 6.10 có thể sẽ không đưa ra một tuyên bố chung, đồng thời nói thêm rằng nhóm có chung các giá trị, nhưng quan điểm khác nhau. Ông Stilwell gọi mối quan hệ Mỹ-Nhật là "nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Các cuộc thảo luận gần đây giữa Bộ Tứ tập trung vào việc xây dựng hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm an ninh hàng hải và công nghệ quan trọng, cơ sở hạ tầng và chống khủng bố. Chương trình nghị sự của cuộc họp ở Tokyo lần này là thảo luận về trật tự quốc tế hậu COVID-19 và căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trung Quốc trong chương trình nghị sự
Tất cả bốn nước trong nhóm Bộ Tứ đều có vấn đề với Trung Quốc và nghi ngờ hành vi của Bắc Kinh. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xung đột về các vấn đề từ thương mại, cạnh tranh công nghệ và an ninh đến nhân quyền và phản ứng với đại dịch COVID-19.
Các đồng minh và đối tác của Washington ở Châu Á chia sẻ lo ngại của Mỹ về những hành vi ngày càng gay gắt của Trung Quốc và các yêu sách chủ quyền lãnh thổ sâu rộng. Đối với Ấn Độ, cuộc gặp Bộ Tứ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở biên giới có vẻ sẽ kéo dài sang những tháng mùa đông. Trung Quốc cũng đang tổ chức 5 cuộc tập trận quân sự đồng thời dọc theo các vùng biển khác nhau, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra vào tuần trước, bên cạnh “trật tự quốc tế hậu COVID-19 và nhu cầu phối hợp ứng phó với những thách thức nảy sinh từ đại dịch”, bốn bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và “cùng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở và bao trùm”.
Mối quan hệ ngoại giao của Australia với Trung Quốc trở nên tồi tệ trong năm nay sau khi Canberra dẫn đầu kêu gọi mở cuộc điều tra về đại dịch COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với thịt bò và lúa mạch của Australia.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, cuộc họp của Bộ Tứ “sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác để hỗ trợ các phản ứng của khu vực đối với các khía cạnh kinh tế và sức khỏe của COVID-19, bao gồm cả vaccine, chuỗi cung ứng và đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng”.
Bà Payne nhận định, cuộc họp diễn ra “vào thời điểm quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi các lợi ích chung của chúng ta đang chịu áp lực chưa từng có”. Vấn đề khoáng sản sẽ được thảo luận khi Australia đang tìm cách tạo thị trường cho đất hiếm, vốn là thành phần quan trọng trong sản xuất công nghệ toàn cầu, nhưng hiện đang bị chi phối bởi nguồn cung từ Trung Quốc.
Về phần mình, Nhật Bản lo ngại về những hành vi của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku mà Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Bên cạnh đó, Nhật Bản cùng Ấn Độ và Australia gần đây đã tổ chức các cuộc đàm phán về các chuỗi cung ứng thay thế Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch. Ba nước đang thảo luận về việc xây dựng “sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng” và đã tổ chức cuộc họp đầu tiên về chủ đề này vào đầu tháng này.
Tháng trước, việc Mỹ ký một hiệp ước khung về hợp tác quốc phòng với Maldives được coi là một nỗ lực nhằm tăng cường các liên minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối trọng Trung Quốc. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar, tại một cuộc hội thảo về quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản hồi đầu tháng, cho biết New Delhi đang tìm cách hợp tác với Tokyo trong các dự án ở Bangladesh và Myanmar như một phần trong nỗ lực hợp tác ở các nước thứ ba. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thành lập một bộ phận "Châu Đại Dương" mới để điều phối chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.