"Có hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ là điều nhiều quốc gia mong muốn. Vì vậy, đối với Triều Tiên, quốc gia nhỏ bé mà xét về kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh với Mỹ, việc lãnh đạo nước này đối diện với tổng thống Mỹ là một thành công lớn", Jean H. Lee - chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson chia sẻ với CNN.
Chuyên gia Lee nhận định, "ông Kim Jong-un đang đi những bước cuối cùng mà ông nội của ông ấy không thể hoàn thành và đây cũng là điều giúp ông củng cố vị thế với tư cách là người họ Kim đời thứ ba lãnh đạo đất nước".
Các chuyên gia cho biết, cuộc họp với Tổng thống Mỹ giúp Bình Nhưỡng giành được sự tôn trọng.
"Việc này đại diện cho nhiều điều - sự chấp nhận rằng Triều Tiên đang ở đó, là một quốc gia và rằng lãnh đạo của đất nước này là một lãnh đạo thế giới", Jim Hoare - cựu tham tán Anh ở Triều Tiên chia sẻ với CNN.
Các thành viên của gia đình ông Kim Jong-un từng gặp các cựu Tổng thống Mỹ. Cựu Tổng thống Jimmy Carter gặp cố lãnh đạo Kim Nhật Thành năm 1994, trong khi cựu Tổng thống Bill Clinton gặp ông Kim Jong-Il năm 2009.
Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton suýt gặp ông Kim Jong-Il khi còn đương nhiệm. Nhưng cuối cùng ông từ chối lời mời gặp mặt và cử Ngoại trưởng Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng.
Xét từ phía Triều Tiên, hội nghị thượng đỉnh với Mỹ diễn ra, có nhiều lợi ích tiềm năng khác, trước mắt và trên hết là sự an toàn của chính quyền Bình Nhưỡng, các chuyên gia nhận định.
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên đang trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ. Bình Nhưỡng coi đây là mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền. Bất kỳ hiệp ước hòa bình nào giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và những lợi ích mang lại đều cần sự chấp thuận của phía Mỹ.
"Có một niềm tin mạnh mẽ ở Triều Tiên... rằng chỉ cần Mỹ ngưng thù địch thì Triều Tiên sẽ an toàn, không ai khác can thiệp", Jim Hoare nói.
Không những thế, các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua đã cắt giảm sâu các nguồn thu nhập khác nhau của Bình Nhưỡng, đặc biệt là khả năng xuất khẩu nguyên liệu thô.
Đạt được việc dỡ bỏ trừng phạt hoặc có được bảo đảm an toàn từ Mỹ sẽ là chiến thắng lớn cho ông Kim Jong-un và lãnh đạo Triều Tiên có thể tiếp đà thắng lợi trong việc bảo vệ chính quyền của mình.
Chuyên gia Lee cho rằng, ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo trẻ và cần phải xây dựng cơ sở quyền lực thực sự để đảm bảo sự lãnh đạo của mình về lâu dài.
"Ông ấy là một người trẻ bất ngờ lên nắm quyền sau cái chết của cha mình, vì vậy thật khó để tưởng tượng rằng ông ấy không có bất kỳ thử thách hoặc cảm giác bất an nào", bà nói.