Thiết giáp hạm được Đức Quốc xã sử dụng để tàn phá Hải quân Hoàng gia Anh cuối cùng đã bị đánh chìm sau khi bị hơn 50 tàu của quân đồng minh truy đuổi ở Đại Tây Dương, nhưng chuỗi sự kiện thực không được đưa ra ánh sáng trong hơn 7 thập kỷ.
Xác tàu đắm được sĩ quan Hải quân Mỹ nghỉ hưu Robert Ballard xác định cách đây ba thập kỷ, nhưng phải đến gần đây, các nhà nghiên cứu mới có một phát hiện đáng kinh ngạc - loạt phim của National Geographic tiết lộ.
Tác giả Avery Brooks của National Geographic giải thích: “Khi đi vào hoạt động, Bismarck là tàu chiến lớn nhất của Đức Quốc xã, với thủy thủ đoàn trên 2.000 người, cùng tám khẩu pháo cỡ nòng 380 mm có thể bắn đạn nặng gần một tấn ở khoảng cách 38 km”.
Nhiệm vụ đầu tiên của Bismarck là tiêu diệt các đoàn tàu vận tải của Anh ở Đại Tây Dương.
Ngày 24.5.1941, HMS Hood - niềm tự hào của Hải quân Hoàng gia Anh - mở cuộc tấn công vào tàu Bismarck. Nhưng toàn bộ thuỷ thủ đoàn 1.418 người của HMS Hood đều thiệt mạng, trừ ba người.
Việc mất tàu chiến mang tính biểu tượng của Hải quân Hoàng gia Anh đến tai Thủ tướng Churchill, khiến ông ra lệnh đánh chìm tàu Bismarck.
Hơn 50 tàu chiến của Anh đuổi theo tàu Bismarck và con tàu đã bị đánh tơi tả, bị bắn trúng 3 lần và chìm xuống độ sâu gần 5.000 mét.
Trận chiến cuối cùng
Loạt phim tiếp tục tiết lộ bước đột phá trong công nghệ đã giúp khám phá những chi tiết mới về trận chiến cuối cùng của con tàu.
Ông Brooks nói thêm: “Nếu chúng ta có thể rút cạn nước đại dương, liệu chúng ta có thấy điều gì đã đánh chìm con tàu được mệnh danh là không thể chìm không? Ngày nay, công nghệ khảo sát dưới nước hiện đại nhất cho phép chúng tôi làm điều đó. Hàng tỉ lít nước biển biến mất để lộ những bí mật chôn giấu, lần đầu tiên phơi bày xác tàu đắm Bismarck dưới đáy đại dương”.
"Nhìn thấy con tàu, một câu hỏi đáng kinh ngạc đặt ra là người Anh đã đánh chìm tàu, hay người Đức tự đánh đắm thiết giáp hạm của mình“
Ông Brooks kể chi tiết những khoảnh khắc cuối cùng của Bismarck.
Ngày 26.5.1941, người Anh ráo riết tìm kiếm Bismarck và cuối cùng các máy bay từ tàu sân bay HMS Ark Royal đã đưa con tàu vào tầm ngắm và tấn công bằng ngư lôi. Một trong hai bánh lái của Bismarck bị vênh, làm hỏng thiết bị lái, chiếc còn lại bị nổ hoàn toàn.
Nhưng, bước đột phá trong công nghệ đã mang đến một sự thay đổi cho câu chuyện. Ông Brooks tiếp tục: “Lần đầu tiên sau hơn 70 năm, tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy thiệt hại của Bismarck. Các cuộc pháo kích liên tục của Anh phá hủy súng và thủy thủ đoàn. Nhưng nếu Bismarck chỉ bị đánh chìm bởi đạn pháo của Anh, nước sẽ chỉ ngập những khu vực chúng tấn công, những phần không bị hư hại đầy không khí sẽ sụp đổ dưới áp lực và thân tàu sẽ bị nghiền nát.
Tuy nhiên, hình ảnh dựa trên dữ liệu cho thấy Bismarck không bị nghiền nát và các cuộc kiểm tra cẩn thận cho thấy sức phá hoại của ngư lôi đã làm suy yếu một số tấm thân tàu, nhưng thủy thủ đoàn đã cố tình để nước chảy vào.
Tiết lộ cho thấy thủy thủ đoàn của Bismarck đã tự đánh đắm thiết giáp hạm để ngăn nó bị người Anh chiếm và hạn chế thêm thương vong.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng thiệt hại trong trận chiến cuối cùng là nguyên nhân khiến chiến hạm của Đức bị chìm.