Tàu vũ trụ không người lái của nhiệm vụ Artemis 1 đã bắt đầu bay về phía Mặt trăng từ khi cất cánh trên tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) vào sáng ngày 16.11 ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, Mỹ.
Đến ngày 21.11, viên nang vũ trụ Orion của NASA đã hoàn thành một trong những thao tác quan trọng trong hành trình đầu tiên của nó, bay ngang qua Mặt trăng.
Trong thời gian đó, đã có lúc nó chỉ cách bề mặt Mặt trăng hơn 130 km.
Để có thể bay qua Mặt trăng, Orion đã thực hiện thao tác đốt động cơ giúp đưa tàu tới đủ gần bề mặt Mặt Trăng.
Tại điểm này, tàu Orion đã tận dụng lực hấp dẫn của Mặt trăng để đẩy nó vào quỹ đạo nghịch hành xa (DRO), theo Sandra Jones, phát ngôn viên của NASA.
Được biết, tàu Orion đã tự động hoàn thành việc đốt động cơ ở khu vực nửa còn lại của vệ tinh tự nhiên, vẫn được gọi là vùng tối của Mặt Trăng, nơi tín hiệu vô tuyến từ Trái Đất không thể truyền đến.
Khi ở khu vực này, động cơ của hệ thống điều động quỹ đạo đã được đốt trong vòng 2 phút 30 giây, giúp Orion tăng tốc với tốc độ thêm gần 1000km/h, giúp Orion đã bay lướt qua và chỉ cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 130 km.
Thời điểm đó là 19 giờ 44 phút ngày 21.11, theo giờ Hà Nội.
Đốt động cơ trong khi bay là một trong hai thao tác cần thiết để viên nang Orion đi vào quỹ đạo ngược của nó quanh Mặt trăng.
Quá trình đốt tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25.11. Sau đó, tàu Orion sẽ ở lại quỹ đạo này trong khoảng một tuần để kiểm tra các hệ thống khác nhau, bao gồm hướng dẫn, điều hướng, liên lạc, kiểm soát năng lượng và nhiệt.
Sau đó, nó được dự kiến sẽ quay trở lại Trái đất vào ngày 11.12.
Artemis 1 là nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình khám phá Mặt Trăng cùng tên của NASA.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đang cố gắng thiết lập căn cứ nghiên cứu cho các phi hành gia vào cuối thập kỷ này trên bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
Nhiệm vụ Artemis 1 cũng đánh dấu lần đầu tiên tên lửa mạnh nhất hành tinh được phóng thành công.