Trước đó, ông Biden đã phát đi tín hiệu rằng, Washington không có kế hoạch gửi máy bay chiến đấu tới Kiev trong bối cảnh xung đột với Mátxcơva.
Nói chuyện với các phóng viên tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, ông Biden được yêu cầu giải thích lý do phản đối việc giao F-16 cho Ukraina.
“Bởi vì chúng ta nên giữ máy bay ở trong nước. Đó là một tình huống hoàn toàn khác” - ông Biden trả lời mà không giải thích chi tiết.
Nhận xét của ông Biden được đưa ra sau khi Mỹ đồng ý gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraina, và một số đồng minh của Washington cũng đồng ý gửi xe tăng chiến đấu hiện đại cho Kiev. Cùng lúc đó, ông Biden bác bỏ ý tưởng gửi F-16 đến Ukraina.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Washington có thể chấp thuận tái xuất máy bay chiến đấu từ các nước khác cho Kiev. Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào tháng trước, một giám đốc điều hành cấp cao của Lockheed Martin, công ty sản xuất F-16, nói rằng, có "rất nhiều cuộc thảo luận về việc chuyển giao F-16 của bên thứ ba" cho Ukraina.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 6.2, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak được hỏi liệu Warsaw có bàn giao máy bay F-16 cho Ukraina hay không. Ông trả lời: "Chúng tôi có quá ít F-16, chỉ có 48 chiếc".
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trước đó cho biết, ông sẵn sàng chuyển giao máy bay, nhưng chỉ khi đây là “quyết định của toàn bộ NATO”.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraina, nhấn mạnh điều đó sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Tuần trước, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, khi Kiev nhận được vũ khí mới, Nga “sẽ tăng gấp đôi việc sử dụng tiềm năng hiện có của mình để đáp trả”.