Trừ khi mọi thứ thay đổi rất nhanh (điều này hoàn toàn có thể), có vẻ Việt Nam là một trong số ít ngoại lệ trên thế giới gần như đã kiềm chế hiệu quả dịch COVID-19 - cây viết Carlos Ottery nhận định trên trang chaohanoi.com.
Carlos Ottery là chủ bút trang Chào Hà Nội - website cung cấp thông tin hữu ích cho người nước ngoài ở Việt Nam. Ottery đã có 10 năm kinh nghiệm viết lách và làm việc ở Châu Á.
“Điều đáng chú ý là một quốc gia đang phát triển còn tương đối nghèo, với hệ thống chăm sóc sức khỏe thô sơ nhưng đã đạt được rất nhiều, như những bài khen ngợi trên tờ Financial Times và Al Jazeera” - Ottery viết.
Tác giả cho rằng những lời khen ngợi và lòng biết ơn có thể không mấy quan trọng giữa đại dịch toàn cầu nhưng nếu các quốc gia khác trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, họ có thể rút ra một số bài học cho tương lai lâu dài, bởi COVID-19 chắc chắn không phải là đại dịch cuối cùng của thế giới.
Vậy làm thế nào và tại sao Việt Nam ứng phó hiệu quả với COVID-19?
Quay trở lại cuối tháng 2.2003 khi SARS bùng phát, bác sĩ Italia Carlo Urbani, người điều trị cho một doanh nhân Mỹ bị triệu chứng giống như cúm ở Việt Nam, chính là người đầu tiên nhận ra SARS là một căn bệnh lây nhiễm mới và nguy hiểm.
Chính bác sĩ Italia Carlo Urbani, người đã qua đời vì SARS chỉ một tháng sau đó tại Bangkok, đã thông báo cho WHO về căn bệnh mới này và sau đó tư vấn cho Bộ Y tế Việt Nam về tầm quan trọng của việc sàng lọc khách du lịch, tìm kiếm người tiếp xúc và thực hiện kiểm dịch, cách ly nghiêm ngặt. Những biện pháp này đã giúp Việt Nam làm giảm lây lan nhanh chóng SARS.
Ngoài việc phát hiện SARS kịp thời, Việt Nam cũng trở thành quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới ngăn chặn sự lây lan của SARS trong biên giới của mình, tất cả trong vòng 2 tháng.
Vào thời điểm đó, WHO cho biết Việt Nam đã “thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát hiện chủ động bao gồm: xác định kịp thời những người mắc SARS, lịch sử đi lại và tiếp xúc của họ; cách ly hiệu quả bệnh nhân SARS trong bệnh viện; bảo vệ nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân SARS; xác định toàn diện và cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS; sàng lọc du khách quốc tế xuất cảnh; báo cáo và chia sẻ thông tin kịp thời và chính xác với các cơ quan chức năng và/hoặc chính phủ các nước khác”.
Trong đại dịch COVID-19 lần này, Việt Nam cũng đang thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn sự bùng phát nghiêm trọng.
Theo tác giả, một lý do mà phần lớn phản ứng của Châu Á đối với dịch COVID-19 có vẻ chủ động và chuẩn bị hơn so với các nước, chẳng hạn như Italia, Tây Ban Nha hoặc Mỹ, là do kinh nghiệm sâu rộng của họ đối phó với SARS.
Do đó, không có gì khó hiểu khi Việt Nam, nước đầu tiên đối phó với SARS hiệu quả sẽ là một trong những quốc gia ngăn chặn đại dịch tiếp theo hiệu quả nhất, đặc biệt là COVID-19.