Daily Mail dẫn lời các nhà thiên văn cho hay, cặp hố đen nằm ở trung tâm của thiên hà NGC 7727 trong chòm sao Bảo Bình, cách Trái đất khoảng 89 triệu năm ánh sáng. Chúng chỉ cách nhau 1.600 năm ánh sáng. Đây cũng là khoảng nhỏ nhất so với bất kỳ cặp hố đen siêu lớn nào được phát hiện trước đó.
Theo Space.com, các nhà khoa học đã phát hiện chúng bằng kính viễn vọng Very Large (VLT) của Đài quan sát Nam Âu (ESO) ở Chile và kính viễn vọng không gian Hubble.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy 2 hố đen siêu lớn ở gần nhau như vậy, chưa bằng một nửa khoảng cách của cặp hố đen giữ kỷ lục trước đó", tác giả chính của nghiên cứu Karina Voggel nói.
Nhờ khoảng cách gần nhau của cặp hố đen và Trái đất, mà các nhà thiên văn học đã lần đầu tiên xác định được khối lượng của 2 hố đen bằng cách xem lực hấp dẫn của chúng ảnh hưởng như thế nào đến chuyển động của các ngôi sao xung quanh.
Hố đen lớn hơn có khối lượng gần bằng 154 triệu lần khối lượng Mặt trời. Trong khi hố đen nhỏ hơn nặng hơn Mặt trời 6,3 triệu lần.
Các hố đen siêu lớn thường nằm ở trung tâm của các thiên hà lớn. Khi 2 thiên hà va chạm và hợp nhất, thì các hố đen cũng vậy.
Các nhà khoa học cho biết, phát hiện này cung cấp cái nhìn sơ lược về sự hình thành của các hố đen siêu lớn, nhưng cũng cho thấy nhiều hố đen và các cặp hố đen hợp nhất khác có thể đang ẩn náu trong các thiên hà lân cận.
Họ kỳ vọng sẽ có thể thúc đẩy quá trình tìm kiếm những hố đen siêu lớn và các cặp hố đen hợp nhất trong những năm tới, sau khi kính viễn vọng Extremely Large (ELT) của ESO ở miền Bắc Chile được hoàn thành.