Tác động tiêu cực khi Nga bị loại bỏ khỏi hệ thống thanh toán SWIFT
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga liên tục tăng những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) vào năm 2015 (chính thức có hiệu lực từ ngày 5.10.2016), xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có thủy sản, càphê, hạt điều, hạt tiêu và thủy sản.
Số liệu của Bộ NNPTNT cho thấy, nếu như năm 2020, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt 432 triệu USD, thì trong năm 2021 đã tăng lên khoảng 550 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Nga). Trong đó, xuất khẩu thủy sản khoảng 164 triệu USD, càphê 173 triệu USD, rau quả 16,6 triệu USD, hạt điều 60 triệu USD, caosu 32 triệu USD; chè, hạt tiêu mỗi loại hơn 19 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 7,7 triệu USD, gạo 1,5 triệu USD…
Xuất khẩu sang Châu Âu cũng tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây bởi hỗ trợ từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA). Trong đó, Châu Âu (EU) trở thành thị trường xuất khẩu điều lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tới 35% thị phần hạt điều xuất khẩu của nước ta.
Tuy nhiên, việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Mỹ và Liên minh Châu Âu loại Nga ra khỏi Hệ thống thanh toán SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu).
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đây là vấn đề hết sức quan ngại, bởi Châu Âu là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam về xuất khẩu điều, sau thị trường Hoa Kỳ.
"Việc Nga bị loại khỏi SWIFT chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thanh toán, đặc biệt với khách hàng Nga vì SWIFT hiện là phương thức gửi điện phổ biến, được hầu hết ngân hàng trên thế giới và Việt Nam sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán xuất, nhập khẩu, bao gồm hạt điều một cách an toàn" - ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Vinacas, phân tích.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cũng cho biết: Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.
Còn theo ông Đào Hữu Duy Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường phân bón Việt Nam bởi Nga đang là nhà xuất khẩu phân bón NPK rất lớn cho Việt Nam. Vì vậy, nguy cơ giá phân bón có thể sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sẽ khiến việc thanh toán với khách hàng Nga trở nên khó khăn, có khả năng phải thanh toán bằng tiền mặt, hoặc bằng vàng.
Xuất khẩu điều bị tác động tiêu cực lớn
Phân tích thêm về những khó khăn mà ngành điều có thể phải đối diện trong năm 2022, ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas - dự báo: "Hiện nay, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine nếu kéo dài hoặc tiếp tục bất ổn thì tác động rất nhiều đến xuất khẩu điều trong năm 2022”.
Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) giao ngành điều kế hoạch xuất khẩu 3,8 tỉ USD trong năm 2022, nhưng ông Phạm Văn Công cho rằng, ngành điều rất khó đạt được chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác như: Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; nguồn nguyên liệu điều trong nước chưa đủ cung ứng cho sản xuất, xuất khẩu, mỗi năm phải nhập khẩu từ 1,4-1,5 triệu tấn trong bối cảnh cước vận tải biển và chi phí thuê container liên tục "phi mã"…
Vì vậy, Vinacas đang cân nhắc lập văn bản gửi Bộ NNPTNT đề nghị được điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu hạt điều năm 2022 từ 3,8 tỉ USD xuống 3,3 tỉ USD.
Tổng Thư ký Vinacas Đặng Hoàng Giang: Dù Nga chưa phải là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành điều Việt Nam nhưng việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT cũng rất đáng quan ngại vì sẽ ảnh hưởng đến cán cân xuất khẩu chung.