Chất lượng là thước đo của DN
Theo đại diện Bộ Công Thương ngoài việc các DN thay đổi phương thức SXKD hướng về người tiêu dùng, cuộc vận động (CVĐ) đã thay đổi được thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời đã tạo động lực lớn cho các DN nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo thống kê, hiện thị phần của hàng Việt tại thị trường nội địa tiếp tục tăng, đặc biệt là các nhóm ngành hàng tiêu dùng phát triển nhanh tại thị trường nông thôn. TGĐ Cty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong - Nguyễn Quốc Trường cho rằng yếu tố cốt lõi để người Việt dùng hàng Việt là DN luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Do đó, DN phải đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao trình độ người lao động…
Theo ông Trường, từ việc đổi mới máy móc thiết bị hiện đại những năm qua tăng trưởng của Cty tại thị trường trong nước luôn đạt từ 8 đến 11%. Ngoài việc phục vụ thị trường trong nước các sản phẩm của Cty cũng được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Ông Văn Nguyên Vũ - Giám đốc Cty CP Sản xuất công nghiệp và thương mại Vít Việt cũng cho rằng, yếu tố tiên quyết để tồn tại là luôn kiên định mục tiêu sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cho rằng trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng SXKD của DN Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các DN ngành nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ NTD, phòng vệ thương mại, củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của DN và NTD.
Trên 80% hàng Việt có mặt tại các siêu thị
Cùng đó, trong hệ thống các siêu thị hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỉ trọng cao từ 80-90%, đặc biệt hệ thống siêu thị BigC có tới gần 90% và hệ thống siêu thị của Saigon Coop có tới 95% là hàng hóa sản xuất trong nước. Tại hệ thống các điểm bình ổn giá thị trường cũng có trên 90% là hàng sản xuất trong nước.
Hiện tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam rất nhanh, tính đến hết năm 2017 CoopMart đã phát triển được trên 100 siêu thị trên toàn quốc và có hơn 180 cửa hàng Coopfood tập trung ở 2 thành phố lớn là HN và TPHCM, đặc biệt là Vingroup đã mở được trên 1.000 siêu thị Vinmar và cửa hàng Vinmart+… Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) hiện có 92% NTD được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến Cuộc vận động (CVĐ); 63% NTD “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Để ghi nhận những nỗ lực không ngừng của DN, trong khuôn khổ CVĐ, Giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Bộ Công Thương tổ chức lần đầu vào năm 2014, năm 2017 giải thưởng được tổ chức lần thứ hai đã được trao cho 96 DN tiêu biểu. Giải thưởng không chỉ nhằm mục đích tìm và tôn vinh những sản phẩm, DN thương hiệu Việt tiêu biểu mà quan trọng hơn là khuyến khích các DN trong nước đầu tư vào SXKD và tận dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời phối hợp với các DN để tạo chỗ đứng vững ngay tại thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Việc các DN nâng cao được chất lượng của hàng hóa, dịch vụ của mình chính là cách tốt nhất đẩy mạnh được phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàngViệt Nam, giúp cho việc định hướng sử dụng hàng Việt ngày càng tốt hơn.