Ngân hàng Thế giới ngày 7.6 hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái khi nền kinh tế rơi vào thời kỳ lạm phát đình trệ như những năm 1970.
Ngân hàng có trụ sở tại Washington cho biết nêu trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất rằng, dự kiến tăng trưởng kinh tế giảm từ 5,7% năm 2021 xuống 2,9% trong năm nay, thấp hơn 1,2% so với mức dự đoán 4,1% được đưa ra hồi tháng Giêng.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, tăng trưởng dự kiến dao động quanh mức này trong thời gian từ năm 2023 đến năm 2024 trong khi lạm phát vẫn quá ngưỡng dự kiến ở hầu hết các nền kinh tế.
Chiến sự Nga - Ukraina dẫn tới giá cả hàng hóa tăng vọt bồi thêm thiệt hại vốn có do đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu, theo Ngân hàng Thế giới. Tổ chức này cho rằng, thế giới hiện bước vào giai đoạn có thể là "thời kỳ tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát tăng".
“Chiến sự Ukaina, phong tỏa ở Trung Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang kìm hãm tăng trưởng. Với nhiều quốc gia, suy thoái sẽ khó tránh khỏi” - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nói.
Theo báo cáo công bố ngày 7.6, tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ giảm mạnh xuống 2,6% trong năm 2022 và tiếp tục xuống 2,2% vào năm 2023. Tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến năm 2021 là 5,1%.
Trong khi đó, tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và những nền kinh tế đang phát triển được dự báo giảm từ mức 6,6% vào năm 2021 xuống 3,4% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm 4,8% trong giai đoạn 2011-2019.
Khi lạm phát tiếp tục tăng ở cả các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển, ngân hàng trung ương của các nước sẽ phải siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế giá cả tăng vọt.
Lạm phát đình trệ, là sự kết hợp giữa kinh tế trì trệ và lạm phát cao, đã trở thành một nỗi lo ngại lớn hiện nay. Xu hướng này đang nhắc nhở các chuyên gia và người tiêu dùng lớn tuổi về cuối những năm 1970, khi cú sốc dầu mỏ và nền kinh tế trì trệ dẫn đến hai đợt suy thoái, được gọi là suy thoái kép, vào đầu những năm 1980.
Để giảm thiểu rủi ro lịch sử lặp lại, Ngân hàng Thế giới kêu gọi các nhà hoạch định chính sách phối hợp viện trợ cho Ukraina, kiềm chế giá dầu và lương thực tăng vọt, đồng thời lập biện pháp xóa nợ cho các nền kinh tế đang phát triển.