Đại tướng Tô Lâm cho biết, dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đến nay, hồ sơ đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia.
Theo Đại tướng Tô Lâm, việc ban hành luật để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở...
Thêm đó, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất.
Xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Bên cạnh đó, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, còn giúp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Theo Đại tướng Tô Lâm, dự án luật đã được tổ chức xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo luật gồm 5 chương, 31 điều. Trong đó, quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn, hỗ trợ công an trong bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.
Dự thảo luật quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền.
Dự thảo luật cũng quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.
Được bố trí địa điểm, nơi làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; giải quyết trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hi sinh...
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cả nước có 66.723 người đang hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, 70.867 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Với 103.568 thôn, tổ dân phố trên cả nước, việc kiện toàn thống nhất các chức danh nói trên thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ đưa tổng quân số của các tổ bảo vệ an ninh, trật tự lên khoảng 300.000 người.
Về chi phí cho lực lượng này, ông Lâm cho hay, các địa phương trong cả nước hiện nay đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho hoạt động lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, kinh phí bảo đảm trung bình hằng tháng của 1 tỉnh, thành phố khoảng 2 - 2,5 tỉ đồng (20 tỉ - 30 tỉ đồng/năm).
Bộ trưởng Công an khẳng định, khi kiện toàn các lực lượng, chức danh thành một lực lượng thống nhất thì 1 tỉnh, thành phố trung bình 1 tháng chi trả không vượt quá 2,5 tỉ đồng (tương ứng 30 tỉ đồng/1 năm).