Phụ cấp đặc thù nghề nghiệp phải có tác dụng cải thiện thu nhập, không chỉ là động viên
Trao đổi với phóng viên Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết: Nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của các ĐBQH, đông đảo cử tri và nhân dân.
Đặc biệt, với bộ phận cán bộ, công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì đây là nội dung được kỳ vọng rất lớn.
"Bởi vì theo đánh giá với cách tính lương hiện nay thì tiền lương của những đối tượng này đang rất ít ỏi, lạc hậu so với mặt bằng giá cả và cuộc sống nói chung. Cải cách tiền lương không đơn thuần là tăng lương, mà đây là cách tính lương mới, không theo thang bảng lương cũ" - bà Nga nói.
Tiền lương sẽ không được xếp theo thang bảng lương cũ và tăng dần theo thời gian cán bộ, công chức viên chức làm việc. Điều quan trọng là lương được xếp theo yêu cầu công việc.
Nghĩa là với một vị trí việc làm nhất định, tiền lương sẽ được ấn định là bao nhiêu và không phụ thuộc vào việc cán bộ, công chức viên chức đó đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm, bao nhiêu năm công tác.
Toàn bộ cán bộ, công chức viên chức đều mong rằng, với sự nhìn nhận mới này thì mức lương mới sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.
Còn riêng với lực lượng y bác sĩ, theo đại biểu Nga, những người công tác trong ngành y và giáo viên là hai lực lượng đang có mức lương thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc "chảy máu chất xám" ở hai ngành nghề rất quan trọng này.
Vậy sau cải cách tiền lương, chúng ta có thể kỳ vọng lương của 2 ngành nghề này thay đổi như thế nào? Trả lời câu hỏi này, đại biểu Việt Nga cho rằng:
Thứ nhất, đối với giáo viên, bà thấy Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Luật Nhà giáo và sẽ trình Quốc hội vào năm 2024. Bà cũng hy vọng, với những chế độ chính sách được quy định trong Luật Nhà giáo thì thu nhập của giáo viên sẽ được cải thiện hơn.
Với đội ngũ ngành y cũng như vậy. Nếu tính lương, rất khó để lực lượng này xếp lương cao hơn so với các lực lượng khác. Bởi trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, họ vẫn chỉ là viên chức như các ngành bình thường.
Đối với những ngành đặc thù như giáo dục và y tế, bên cạnh việc xếp lương, cần quan tâm đến phụ cấp đặc thù nghề nghiệp. Và điều quan trọng là phụ cấp đặc thù nghề nghiệp phải có tác dụng để cải thiện thu nhập của những người làm việc trong các ngành này, chứ không chỉ có tác dụng động viên tinh thần.
Hiện nay, theo bà Nga, phụ cấp giáo viên và phụ cấp cho ngành y vẫn có. Tuy nhiên, nó chưa có ý nghĩa nhiều trong việc cải thiện thu nhập mà chủ yếu ghi nhận sự đóng góp và cống hiến trong nghề.
"Tôi hy vọng, cùng với cải cách tiền lương, chúng ta xem xét đến phụ cấp của những ngành nghề này. Điều này cũng góp phần ngăn chặn chảy máu chất xám và để họ yên tâm công tác hơn" - bà Việt Nga nói.
Ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương
Trước đó, đề cập nội dung cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý, thay cho bảng lương theo hệ số hiện nay tồn tại từ năm 2004.
Qua 4 lần cải cách tiền lương, chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này.
Theo đó, chính sách tiền lương mới được cơ cấu lại để tính tỉ lệ lương cơ bản (70%), tỉ lệ phụ cấp (30%); loại hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù và bổ sung 10% lương cơ bản để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công chức - viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những vấn đề mới này phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ.
Khi cải cách tiền lương, Bộ trưởng cho hay, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương. “Khi đó xã hội phấn khởi, viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ sẽ phấn khởi”, bà Phạm Thị Thanh Trà nói.