Được biết, hiện ngành logistics ở nước ta có mức tăng trưởng cao, 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay là gần 4.000 doanh nghiệp, bao gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải...
Theo Báo cáo của World Bank (Ngân hàng Thế giới) về chỉ số hoạt động logistics (LPI) Việt Nam hiện đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ở khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Tuy phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại nhưng hiện ngành logistics ở nước ta đang tồn tại một số yếu điểm như chi phí logistics còn khá cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp.... Quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản...
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, trong thời gian tới, cần tập trung phát triển hơn nữa dịch vụ logistics. Ở nước ta, tiềm năng để cho dịch vụ này phát triển sâu rộng hơn nữa là rất lớn. Để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực logistics, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ này nhưng thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; kết hợp nghiên cứu phát triển logistics ở Hành lang kinh tế Đông - Tây...
Trong thời gian tới, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics. Ngoài ra, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa; phối hợp với nhau linh hoạt, nhịp nhàng hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics.