Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện
Chiều 3.11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đăng đàn trả lời chất vấn về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) bày tỏ bức xúc với thực trạng xây dựng nhà chung cư ở các đô thị lớn có nhiều bất cập, điển hình như sai phạm trong xây dựng nhà cao tầng hai bên đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Ông đề nghị lãnh đạo ngành xây dựng nêu giải pháp.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch ở một số địa phương, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, chưa đảm bảo yêu cầu, quy chuẩn của quy hoạch, dẫn đến phá vỡ quy hoạch.
Nguyên nhân là công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời; nội dung đánh giá chưa đầy đủ, thấu đáo. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch cũng chưa được chú ý đúng mức, nặng tính hình thức.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định, đảm bảo chặt chẽ trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch; quy định rõ hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Ông đề nghị các địa phương thực hiện đúng các quy định trong quy hoạch đô thị.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm chậm di dời trụ sở bộ, ngành
Tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tiến độ di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội trong thời gian qua và giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ di dời trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc triển khai di dời này còn chậm.
Trong đó, nguyên nhân do: Thứ nhất, các cơ quan chưa thực sự quyết liệt, chậm xây dựng đề án di dời, bao gồm danh mục, chi tiêu, lộ trình, biện pháp di dời.
Nguyên nhân thứ 2, việc di dời trụ sở và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch trụ sở mới cần nhu cầu vốn rất lớn nhưng ngân sách còn hạn chế.
Nguyên nhân thứ 3 là chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng những trụ sở mới.
Về trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ xây dựng chịu trách nhiệm chung về giám sát, đôn đốc. Công tác này chưa thực sự hiệu quả trong thời gian qua.
Thứ hai, cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Về giải pháp trong thời gian tới, các bộ, ngành, trung ương và TP.Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành, quốc gia, quy hoạch có tính chất chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện.
Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thực hiện di dời theo đúng lộ trình Thủ tướng Chính phủ giao. Quan tâm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ di dời...
Đại biểu lo quỹ đất sau di dời dùng xây nhà cao tầng
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nêu rõ, đại biểu có chất vấn Bộ trưởng việc sau khi mà di dời các cái doanh nghiệp, các cơ quan ra khỏi nội thành thì có tình trạng lại sử dụng những quỹ đất đó để xây dựng nhà chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng. Từ đó gây nên áp lực về hạ tầng giao thông và không làm giảm tăng dân số tại khu vực nội thành.
Đại biểu cho biết, Bộ trưởng có nhắc đến Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rất rõ là sau khi di dời, quỹ đất đó phải được ưu tiên để sử dụng cho các cơ sở hạ tầng và cây xanh.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp không thực hiện đúng theo Quyết định đó. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết là đã thực hiện đúng quy định tại Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hay chưa?
Trả lời việc này, Bộ trưởng Xây dựng nêu rõ, với quy định hiện hành, Quyết định của Thủ tướng đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời.
Trên cơ sở đó, khi di dời thì phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc đã xác định và phải thực hiện theo đúng quy hoạch đô thị. Tương tự với quá trình xem xét cấp phép đầu tư dự án.