Không có điện, cách mạng công nghiệp 4.0 khó vào cuộc sống
Sáng 25.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra một số định hướng phát triển ngành điện trong thời gian tới, nhất là khi nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
“Không có điện thì không thể làm được gì hết, kể cả việc áp dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Sau khi trình bày hàng loạt khó khăn đang gặp phải, lãnh đạo EVN đã kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành Chỉ thị tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2025 với chỉ tiêu tiết kiệm điện năm 2020 bằng 2% điện thương phẩm, đến năm 2025 bằng 5%; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến công tác thực hiện dự án điện cấp bách mau chóng giải quyết các vấn đề tồn đọng. Kịp thời xây dựng cơ chế giá điện mặt trời và cơ chế đấu thầu cạnh tranh.
Không để thiếu điện
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điện phải đi trước một bước. Trước hết, ngành điện cần phát triển đúng theo sơ đồ điện VII đã được phê duyệt. Đồng thời, cần đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc dân.
“Không để thiếu điện cho phát triển là một mệnh lệnh. Điện là vấn đề an ninh, an toàn xã hội. Dân trí càng cao thì nhu cầu càng lớn. Yêu cầu đó phải được đáp ứng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu EVN điều phối tốt hệ thống, tính toán nắng nóng, khô hạn để có sự bù đắp kịp thời. Theo tính toán, năm 2020 cả nước sẽ thiếu 20 tỉ kWh điện. Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo tốt nguồn cung cấp than, khí cho nhiệt điện. Nếu thiếu khí thì phải ưu tiên cho sản xuất điện trước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải giải quyết nhanh các kiến nghị của EVN và PVN.
Các cơ quan này cần đề xuất cơ chế phát triển các dự án điện tới Chính phủ, theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xã hội hóa mạnh mẽ các dự án, kể cả xây dựng đường dây truyền tải.
EVN kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng, sản xuất điện.