Mạnh dạn tái cơ cấu
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các kết quả Bộ Công Thương đã đạt được, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn. “Hội nghị lần trước tôi nói có nói Bộ Công Thương có “vấp” nhưng chưa “ngã”. “Vấp” thì đứng lên, đứng vững vượt qua thách thức. Uy tín ngành cũng nâng lên, đóng góp nhiều mặt cho đất nước phát triển” - Thủ tướng nói.
Cụ thể, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công Thương khi đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chỉ đạo về tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh giản mạnh mẽ. Năm 2017, bộ thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc bộ; cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng. “Bộ đã thực hiện với thái độ dũng cảm không sợ va chạm. Tuy là vấn đề phức tạp nhưng đã làm khá mạnh mẽ, hiệu quả” - Thủ tướng ghi nhận.
Thủ tướng cũng “bật mí” tin nóng, mới và vui nhất cho giới doanh nghiệp, đó là sáng qua, ngày 15.1, Thủ tướng cũng đã ký Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngay tại hội trường trước khi hội nghị diễn ra để Bộ Công Thương thực hiện cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh - Thủ tướng nói: Bộ Công Thương đã đi đầu trong công tác sẵn sàng cắt giảm điều kiện kinh doanh. 675 điều kiện được cắt giảm một lúc - đó không phải là chuyện nhỏ. Điều đó cho thấy quyết tâm cao của Bộ Công Thương.
Trước đó, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện, xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, đạt tỉ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%. Cùng đó, cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính của bộ; triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương; cùng với đó là thực hiện áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp công tác trong cơ quan bộ cũng như trong các đơn vị thuộc ngành công thương.
Về phương hướng trong năm 2018, người đứng đầu ngành công thương cho biết, bộ xác định sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đáng lưu ý là tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh gắn với tiếp tục cắt giảm các điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành. Đặc biệt, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành công thương một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp.
Sabeco là bài học hình mẫu về cổ phần hoá
Thủ tướng đánh giá “thương vụ” thoái vốn tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là hình mẫu cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Sabeco là bài học để mọi doanh nghiệp nhà nước sớm đẩy nhanh cổ phần hoá và niêm yết công khai, minh bạch trên sàn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở ngành công thương còn nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục. Ví dụ, một số chiến lược, quy hoạch ngành còn chậm, còn tiềm ẩn tình trạng xin cho; việc chuyển dịch từ khai thác tài nguyên sang lấy công nghiệp là then chốt trên nền tảng công nghệ 4.0 còn hạn chế, việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm chưa như mong muốn, chưa chú trọng nhiều hơn đến kinh tế tư nhân…
Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2018 cũng như các năm tới, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa trong phát triển. Thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp, có biện pháp nào để tìm ra một giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến ở Việt Nam. “Làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ ở tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã. Làm sao các tỉnh đều thặng dư ngân sách nếu đi từ thế mạnh công thương, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao và du lịch. Làm sao công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn, làm sao phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam…” - người đứng đầu Chính phủ trăn trở.
Đồng tình với những giải pháp cho năm 2018 mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu, song, Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương phải ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa, không để thua trên sân nhà, nâng cao uy tín hàng Việt Nam để chiếm thị trường. “Với hậu quả những năm trước để lại, không vì thế mà nhụt chí, phải dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, đổi mới tư duy, chất lượng, tầm nhìn, vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ. Phải đối thoại tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu và trong nước, lắng nghe doanh nghiệp. Đừng dể giả dối chiến thắng những điều chân thực…” - Thủ tướng góp ý với ngành công thương.
Bộ Công Thương cũng đã công bố các sự kiện nổi bật khác như: 1. Hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ; các dự án khác đều có lộ trình xử lý cụ thể theo nguyên tắc thị trường. 2. Xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 420 tỉ USD. 3. Khởi công nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ôtô lớn tại Việt Nam hướng tới thị trường khu vực như: Nhà máy sản xuất ôtô Thaco - Mazda; nhà máy sản xuất, lắp ráp xe bus với công suất thiết kế 20.000 xe/năm; mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam; Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải, Hải Phòng… 4. Triển khai đúng lộ trình thay thế xăng khoáng RON 92 bằng xăng sinh học E5 RON 92 trên toàn quốc.