“Con số 2.000 trẻ em Việt bị xâm hại chỉ là phần nổi”
Phát biểu trước Quốc hội chiều 5.6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, con số 2.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm ở Việt Nam chỉ mới phản ánh một phần rất nhỏ của hiện trạng. ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi về việc khung pháp lý đã đủ sức chưa, trong khi ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (TP.Hà Nội) nêu thực trạng tới 59% số thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người thân, quen và hỏi Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về giải pháp căn cơ, quyết liệt “để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này”.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - “truy” Bộ trưởng Bộ LĐTBXH với tư cách Bộ trưởng, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em về các giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này, và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao cho biết giải pháp nào để giải quyết những bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bởi theo bà cái khó của các cơ quan tư pháp là khó chứng minh tội phạm trong các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em, nhưng cũng có những vụ rõ ràng là thiếu tích cực.
“Vụ cháu bé ở Cà Mau, Thủ tướng phải có ý kiến, vụ Nguyễn Khắc Thủy thì Chủ tịch Nước phải có ý kiến. Vậy với các vụ không có ý kiến chỉ đạo thì sao?” - bà Nga thẳng thắn hỏi.
Xử lý vi phạm xâm hại tình dục trẻ em: Khó trong công tác điều tra
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hằng năm bình quân có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực, nhưng đây là phản ảnh, còn con số có thể tăng lên vì nhiều trường hợp không thông tin.
Về khung pháp lý, ông Dung cho rằng, hoàn toàn đầy đủ và đã tiến hành nhiều giải pháp khác nhau từ tuyên truyền vận động, từ ra đời đường dây nóng 111 cũng như xử lý nghiêm một số vụ việc, đặc biệt là các vụ nổi cộm trực tiếp lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước có ý kiến. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, thời gian qua có một số vụ việc còn để kéo dài, xử lý chưa nghiêm, nhiều vụ việc khi có ý kiến các cấp lãnh đạo cấp cao mới tiến hành điều tra và đề nghị các cơ quan chức năng nhân đây cũng đánh giá lại năng lực hoạt động của mình.
Theo ông Dung, hầu như những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng bộ đều chủ động ý kiến.
Cùng quan điểm, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND Tối cao - thừa nhận, vấn đề xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em gây ra những bức xúc trong đời sống xã hội và để giải quyết thực trạng này cần phải thực hiện đồng bộ từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Theo ông Trí, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống luật pháp để đảm bảo yêu cầu cuộc đấu tranh này không chỉ dừng lại ở quyết tâm mà phải bằng pháp luật, bằng sự phối hợp của các bộ, ban, ngành và cần xây dựng kỹ năng cho các em ý thức được về việc bị xâm hại. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng để tạo ra sự răn đe, giáo dục chung.
Về phần mình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em không gây khó khăn trong quá trình xét xử nhưng khó khăn trong quá trình điều tra bởi phần lớn các vụ việc truy xét nhưng không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện thường là đã xa; gia đình nạn nhân ngại khai báo, thậm chí còn che giấu, từ chối giám định, không hợp tác với cơ quan điều tra.
Về giải pháp, TAND Tối cao vừa ban hành thông tư yêu cầu tòa án địa phương, trong đó có các tòa án cấp huyện đủ điều kiện hình thành tòa chuyên trách về hôn nhân gia đình và vị thành niên và đã áp dụng phòng xét xử thân thiện dành cho trẻ vị thành niên ở TPHCM và đang nhân rộng ra cả nước. Những nạn nhân có thể không phải ra tòa mà chỉ thẩm vấn qua micro để đảm bảo về mặt tâm lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, việc đấu tranh chưa ngăn chặn được nhiều do việc tố cáo xâm hại thường chậm, nên việc thu thập dấu vết chứng cứ khó khăn, ảnh hưởng tới kết quả điều tra. Bên cạnh đó, do tính chất vụ việc nhạy cảm nên nhiều nạn nhân không tố cáo, bị xâm hại trong thời gian dài, một số gia đình không hợp tác vì sợ ảnh hưởng tâm lý tới trẻ, nhiều vụ lại không có nhân chứng trực tiếp, tâm lý trẻ dễ bị hoảng loạn nên khai không thống nhất, khai theo sự hướng dẫn nên gây khó khăn cho công tác điều tra, chứng cứ giữa cơ quan tố tụng chưa thống nhất, có vụ quan điểm khác nhau dẫn tới vụ việc kéo dài thậm chí không xử lý được.
“Đối với ngành công an thì chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, lập đường dây nóng, động viên nhân dân cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm. Chúng tôi cũng đề nghị áp dụng quy trình điều tra thật đặc biệt, xét xử đặc biệt đối với loại tội phạm này” - ông Tô Lâm nói.