Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng không chỉ đơn giản là ứng dụng các công nghệ mới, thay vào đó là chuyển đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hóa kinh doanh của ngân hàng trên nền tảng đổi mới công nghệ. Trước những thách thức và cơ hội của Ngân hàng số trong giai đoạn hiện nay, tổ chức Công đoàn cũng phải phát huy tốt vai trò của mình, đặc biệt là tham gia xây dựng VHDN trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tại Hà Nội, đầu tháng 11, toạ đàm “Vai trò của tổ chức công đoàn đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam” đã được tổ chức.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh: Muốn có nhiều người sử dụng dịch vụ thì doanh nghiệp phải có văn hoá - văn hoá ứng xử, văn hoá giao tiếp, tôn trọng và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng khi đó thì mới có được niềm tin, thiện cảm từ khách hàng. Do đó, tổ chức công đoàn phải phát huy vai trò của mình, tổ chức, vận động cán bộ, đoàn viên nâng cần cao kỹ năng hoạt động, ứng xử, giao tiếp, bảo đảm quyền lợi của khách hàng…
Là một trong những Ngân hàng có mạng lưới rộng khắp, Agribank đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng VHDN gắn với bối cảnh chuyển đổi số đang là hoạt động được ưu tiên hàng đầu của các ngành Ngân hàng hiện nay. Đại diện cho Công đoàn Agribank tham luận, ông Ngô Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Công đoàn Agribank cho biết: Những năm qua xác định việc tham gia xây dựng VHDN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn Agribank, nhằm góp phần cùng Agribank xây dựng và phát triển VHDN trong bối cảnh chuyển đổi số. Công đoàn Agribank đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, với mục tiêu tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt hoạt động của hệ thống Agribank.
Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, người lao động, Công đoàn Agribank tiếp tục phát động các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Xây dựng, phát triển thương hiệu và thực hiện văn hóa Agribank” gắn với phong trào “Học tập nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động”.
Thông qua các phong trào này giúp đoàn viên, người lao động nhận thức đầy đủ sự cần thiết phải thực hiện xây dựng, phát triển thương hiệu trong quá trình cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy đoàn viên, người lao động đề cao tính gương mẫu trong thực hiện VHDN, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, học tập theo chủ đề: Trung thực, kỷ cương, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả; xây dựng hình ảnh người cán bộ Agribank giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, chuyên nghiệp trong giao tiếp, tạo được ấn tượng tốt với khách hàng, góp phần khẳng định giá trị thương hiệu, nâng cao uy tín của Agribank trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay.
Để nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng VHDN, Công đoàn Agribank thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia xây dựng VHDN. Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trong hệ thống, cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của Ngành và các địa phương.
Qua đó thể hiện được khả năng, bản sắc văn hóa của Agribank; tăng cường giao lưu, học hỏi, khích lệ tinh thần yêu ngành, yêu nghề trong đội ngũ đoàn viên, người lao động, góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu Agribank phát triển.