Hạn hán chưa từng thấy
Hạn hán ở Trung Quốc năm nay diễn ra trên diện rộng và gay gắt chưa từng thấy. Những dấu hiệu đầu tiên về hạn hán ở miền Nam Trung Quốc xuất hiện vào tháng 7. Vào tuần đầu tiên của tháng 8, những dấu hiệu này đã được xác nhận. Hiện tại hạn hán đang diễn ra gay gắt, mặc dù nhiệt độ đã bắt đầu giảm và trời bắt đầu có mưa.
Các bản đồ nhiệt độ của Trung Quốc chỉ ra rằng miền Nam Trung Quốc có màu đỏ nóng và khô trong gần hai tháng. Một nửa tổng diện tích của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực cao. Đây là đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ qua.
Toàn bộ lưu vực Dương Tử đã bị ảnh hưởng. Các hồ chứa chính: Hồ Bà Dương ở Giang Tây và hồ Động Đình ở Hồ Nam hầu như đã khô cạn. Các phần của sông Dương Tử đang ở mực nước thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được lưu giữ.
Nắng nóng cũng làm bùng lên các đám cháy rừng. Hạn hán chưa từng có ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất thủy điện, vận tải biển, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Tất cả những điều này khiến Trung Quốc lần đầu tiên phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán. Thời tiết khắc nghiệt nhiều khả năng sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngược lại với các thời đại trước, quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế ồ ạt đã làm tăng nhu cầu chung của Trung Quốc về nước. Theo truyền thống, miền Bắc thiếu nước. Năm 2003, Trung Quốc khởi động Dự án chuyển nước Nam Thủy Bắc Điều trị giá 60 tỉ USD. Dự án này chuyển nước từ lưu vực sông Dương Tử để bổ sung cho miền Bắc khô hạn. Mục tiêu là đạt được công suất chuyển nước hàng năm 21 tỉ mét khối vào năm 2030 và cuối cùng là gấp đôi khối lượng đó.
Mặc dù vậy, ngay cả lượng nước khổng lồ này cũng sẽ không đáp ứng được cơn khát vô độ của Trung Quốc. Do đó, các kế hoạch bổ sung đã được thực hiện như một con kênh lớn và đường hầm Dẫn Giang Bổ Hán từ đập Tam Hiệp đến Bắc Kinh. Các kế hoạch khác bao gồm chuyển nước từ Cao nguyên Tây Tạng hoặc Hồ Baikal ở Nga.
Tuy nhiên, khu vực miền Nam mà Trung Quốc muốn chuyển nước về miền Bắc hiện đang hứng chịu đợt hạn hán lớn nhất. Nó đặt tất cả các kế hoạch cơ sở hạ tầng ưa thích của Trung Quốc vào tình trạng khó khăn. Điều đó có nghĩa là các sản phẩm nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Trung Quốc (60% lúa mì, 45% ngô, 35% bông và 64% đậu phộng) sau này có thể sẽ gặp rủi ro.
Cảnh tỉnh về việc dựa vào thủy điện "không bền vững"
Đợt hạn hán hiện nay ở Tây Nam Trung Quốc đã làm bộc lộ tính dễ bị tổn thương của các tỉnh như Tứ Xuyên phụ thuộc nhiều vào thủy điện và đưa ra cảnh báo rằng nước này cần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để đối phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong tương lai - SCMP cho hay.
Tứ Xuyên phụ thuộc tới 80% năng lượng vào thủy điện, trong khi tỉnh này là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt hạn hán hiện tại. Sản lượng thủy điện của Tứ Xuyên đã giảm một nửa trong hai tháng qua.
Cư dân ở thành phố Đạt Châu cho biết đập Tiểu Hà Chuỷ - thường sản xuất đủ điện cho 500 hộ gia đình - đã không sản xuất điện trong hơn một tháng vì thiếu nước. Sông Châu Giang, nơi con đập được xây dựng, hiện đã cạn kiệt, lộ ra những tảng đá dưới lòng sông.
Hạn hán đã giáng một đòn mạnh vào Tứ Xuyên, nơi có 14 trạm thủy điện lớn. Đầu tháng này, chính quyền tỉnh đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện "đặc biệt nghiêm trọng" và buộc các nhà máy phải đóng cửa trong vài ngày.
Theo Fan Xiao - một nhà địa chất của tỉnh - thủy điện ở Tứ Xuyên đã phát triển từ nhiều thập kỷ trước, nhưng quy mô lớn bắt đầu từ những năm 1980 và đã tăng tốc hơn nữa kể từ đầu thế kỷ này.
Mặc dù một số khu vực của tỉnh hiện đã có mưa, song Fan cảnh báo rằng tình hình hiện tại là không bền vững.
“Thủy điện chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các mùa trong năm. Cuộc khủng hoảng điện nhắc nhở rằng chúng ta không thể quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. Ngoài ra, phát triển thủy điện ở Tứ Xuyên không bền vững vì nó đã làm suy thoái các hệ sinh thái sông và không còn dòng sông nào chảy tự do” - ông nói.
Thủy điện chiếm khoảng 20% nguồn cung cấp điện của Trung Quốc. Tác động của cuộc khủng hoảng điện còn vượt ra ngoài Tứ Xuyên và lan sang các trung tâm sản xuất khác như các tỉnh ven biển Giang Tô và Chiết Giang, buộc các nhà máy phải tạm ngừng sản xuất.
Kang Junjie, nhà nghiên cứu thuộc Viện Năng lượng của Đại học Bắc Kinh, cho biết các nhà chức trách nên đánh giá hiện tượng thời tiết cực đoan này và phân tích xem liệu hạn hán nghiêm trọng có trở nên phổ biến hơn trong tương lai hay không.
“Nếu nó xảy ra hai hoặc ba năm một lần, chúng ta có thể cần đầu tư vào các nguồn năng lượng khác như khí đốt hoặc than để đối phó với khủng hoảng điện năng, nhưng nếu nó xảy ra vài thập kỷ hoặc một thập kỷ một lần, thì chúng ta nên đưa ra các quyết định thận trọng” - ông nói.
Trung Quốc cam kết trung hòa carbon vào năm 2060 và Kang nói rằng nếu muốn đạt được mục tiêu này, họ sẽ phải cải thiện tính đa dạng và tính linh hoạt của hệ thống điện.
“Tứ Xuyên có tỉ trọng thủy điện cao. Nhưng nếu xem xét tổng thể miền Tây Trung Quốc, thì tỉ lệ đó không cao. Trong khi đó, khu vực này có điện mặt trời, điện gió, điện than và thủy điện. Đó là lý do tại sao tốt hơn nên phân bổ các nguồn lực trên một khu vực rộng lớn hơn”.