Theo Nikkei, thành công của các nhà sản xuất thực phẩm Hàn Quốc có được khi chuỗi cà phê và thức ăn nhanh của Mỹ cũng như các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực khác rút khỏi thị trường Nga, trong bối cảnh Nga bị trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraina. McDonald's và Starbucks đã rút khỏi Nga vào năm ngoái.
Trong khi Hàn Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số mặt hàng như chất bán dẫn, thì thực phẩm không bị hạn chế và phần lớn những gì các công ty bán ở Nga đều được sản xuất ở đó.
Doanh thu của hãng Orion - nổi tiếng với bánh Choco Pie và các món ăn nhẹ khác - tăng 59,1% lên 48,2 tỉ won (36,1 triệu USD) tại Nga trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu của công ty.
Lợi nhuận hoạt động của Orion ở Nga tăng hơn gấp đôi lên 8,3 tỉ won (6,2 triệu USD) trong cùng kỳ. Trong cả năm 2022, doanh thu tại Nga của công ty tăng 82,9%, lên 182,6 tỉ won (136 triệu USD), trong khi lợi nhuận hoạt động tăng gấp đôi lên 34,8 tỉ won (26 triệu USD).
Orion cho rằng hiệu quả hoạt động là nhờ việc tăng nguồn cung bánh Choco Pie và bánh quy tại nhà máy mới ở Tver, phía tây bắc Mátxcơva. Nhà máy được xây dựng từ năm 2020 và bắt đầu hoạt động vào tháng 6 năm ngoái. Công ty cho biết các đơn vị Nga và Trung Quốc đã đầu tư vào dự án, nhưng không tiết lộ chi phí.
Giá cổ phiếu của Orion đã tăng 52,8% trong năm qua.
Paldo - một nhà sản xuất thực phẩm khác nổi tiếng với mì ăn liền Doshirak - vào tháng 10 năm ngoái đã mua lại một đơn vị ở Nga của công ty thực phẩm Tây Ban Nha GBfoods để mở rộng kinh doanh tại đây.
Người phát ngôn của Paldo hy vọng thỏa thuận này sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư của công ty tại Nga vì GB chuyên về nước sốt.
Lợi nhuận ròng tại Nga của Paldo đã tăng 170,2% lên 90,6 tỉ (67,7 triệu USD) won vào năm ngoái, với doanh thu tăng 70,3% lên 377,8 tỉ won (282,6 triệu USD). Nhờ sự đóng góp từ Nga, lợi nhuận hoạt động chung của Paldo tăng gần gấp đôi lên 106,9 tỉ won (80 triệu USD) trong cùng kỳ, trong khi doanh thu tăng 35,3% lên 1 nghìn tỉ won (748 triệu USD).
Lotte Wellfood - tiền thân là Lotte Confectionery - cũng có câu chuyện tương tự. Bộ phận thực phẩm của tập đoàn Lotte Group cho biết trong tháng này rằng, doanh thu ở Nga đã tăng 58,1% lên 19,3 tỉ won (14,4 triệu USD) trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, với lợi nhuận hoạt động tăng 3,5 tỉ won (2,6 triệu USD).
Trong thông báo thu nhập quý 1, Lotte Wellfood cho biết được hưởng lợi từ việc các công ty toàn cầu rời khỏi Nga. Công ty có kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm của mình trên thị trường cũng như cải thiện năng suất để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.
Trong khi đó, nhiều công ty Hàn Quốc khác đã dừng hoạt động ở Nga. Samsung Electronics đình chỉ các lô hàng điện thoại thông minh và các sản phẩm khác vào tháng 3.2022. Hyundai Motor đóng cửa nhà máy ở St. Petersburg vào năm ngoái.
Tháng trước, chính phủ Hàn Quốc cấm xuất khẩu 741 sản phẩm bao gồm chất bán dẫn và ôtô sang Nga, nâng số lượng sản phẩm bị cấm lên 798. Tuy nhiên, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết thực phẩm không bị cấm xuất khẩu. Các sản phẩm chính bị kiểm soát xuất khẩu là chất bán dẫn, máy móc và ôtô.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tại Nga của các công ty thực phẩm Hàn Quốc không gây ra nhiều chỉ trích, tranh cãi hay phản ứng dữ dội. Người phát ngôn của Orion cho biết không có vấn đề gì vì Nga không phải là kẻ thù của Hàn Quốc và công ty sản xuất ở đó, vì vậy không có vấn đề gì về vi phạm xuất khẩu. Paldo và Lotte cũng cho biết họ sản xuất và bán sản phẩm của mình của Nga.
Tuy nhiên, Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) yêu cầu các công ty Hàn Quốc cẩn thận về các giao dịch tài chính với Nga vì nhiều ngân hàng Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.