Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Theo báo cáo bất bình đẳng hàng năm của Oxfam công bố hôm 15.1, 1% những người giàu nhất nắm giữ lượng tài sản mới gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Tài sản của họ tăng vọt 26 nghìn tỉ USD, trong khi 99% phần còn lại chỉ tăng thêm 16 nghìn tỉ USD.

Và sự tích lũy của cải của giới siêu giàu tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch. Nhìn lại thập kỷ qua, họ chỉ kiếm được một nửa tổng số của cải mới được tạo ra, so với 2/3 trong vài năm qua.

Báo cáo - dựa trên dữ liệu do Forbes tổng hợp - được đưa ra trùng với thời điểm bắt đầu hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ - hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới và nhiều người giàu có.

Trong khi đó, nhiều người kém may mắn đang gặp khó khăn. Khoảng 1,7 tỉ người lao động sống ở các quốc gia có lạm phát cao hơn tiền lương. Công cuộc giảm nghèo bị đình trệ vào năm ngoái sau khi số lượng người nghèo toàn cầu tăng vọt vào năm 2020.

Gabriela Bucher - giám đốc điều hành của Oxfam International - cho biết: “Trong khi những người bình thường đang hy sinh hàng ngày cho những thứ thiết yếu như thực phẩm, thì giới siêu giàu đã vượt qua cả những giấc mơ điên rồ nhất của họ.

Chỉ sau hai năm, thập kỷ này đang định hình là thập kỷ thành công nhất cho các tỉ phú - một sự bùng nổ dữ dội của thập niên 20 đối với những người giàu nhất thế giới”.

Tài sản của tỉ phú

Mặc dù tài sản đã giảm đi phần nào trong năm qua, nhưng các tỉ phú thế giới vẫn giàu có hơn nhiều so với thời điểm bắt đầu đại dịch.

Theo Oxfam, tổng giá trị tài sản ròng của các tỉ phú là 11,9 nghìn tỉ USD. Mặc dù con số này đã giảm gần 2 nghìn tỉ USD so với cuối năm 2021, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 8,6 nghìn tỉ USD mà các tỉ phú có được vào tháng 3.2020.

Tỉ phú Elon Musk là một trong những người giàu nhất thế giới. Ảnh: AFP
Tỉ phú Elon Musk là một trong những người giàu nhất thế giới. Ảnh: AFP

Nabil Ahmed - giám đốc công bằng kinh tế của Oxfam America - cho biết những người giàu có đang được hưởng lợi từ ba xu hướng.

Thứ nhất, khi bắt đầu đại dịch, các chính phủ toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia giàu có hơn, đã rót hàng nghìn tỉ USD vào nền kinh tế của họ để ngăn chặn sự sụp đổ. Điều đó đã thúc đẩy cổ phiếu và các tài sản khác tăng giá trị.

Theo Ahmed, phần lớn số tiền mới đó đã đến tay những người cực kỳ giàu có, những người có thể điều khiển sự tăng vọt của thị trường chứng khoán, sự bùng nổ tài sản này. Trong khi đó, việc đánh thuế công bằng không được áp dụng.

Thứ hai, nhiều tập đoàn đã làm ăn rất tốt trong những năm gần đây. Oxfam cho biết khoảng 95 công ty thực phẩm và năng lượng đã tăng hơn gấp đôi lợi nhuận vào năm 2022, do lạm phát khiến giá cả tăng vọt. Phần lớn số tiền này đã được trả cho các cổ đông.

Thứ ba, xu hướng dài hạn của việc tước quyền của người lao động và tập trung hóa thị trường lớn hơn đang làm gia tăng bất bình đẳng.

Ngược lại, nghèo đói toàn cầu đã tăng lên rất nhiều trong thời kỳ đầu của đại dịch. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới được Oxfam trích dẫn, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong việc giảm nghèo kể từ đó, nhưng lại bị đình trệ vào năm 2022, một phần là do xung đột ở Ukraina, khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao.

Oxfam cho biết đây là lần đầu tiên tình trạng cực giàu và cực nghèo tăng đồng thời trong vòng 25 năm qua.

Đánh thuế người giàu

Để chống lại sự bất bình đẳng ngày càng tăng này, Oxfam đang kêu gọi các chính phủ tăng thuế đối với những cư dân giàu có nhất.

Oxfam đề xuất áp dụng thuế tài sản một lần và thuế thu nhập bất ngờ (windfall tax) để chấm dứt việc trục lợi từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu, cũng như tăng thuế vĩnh viễn đối với 1% cư dân giàu nhất lên ít nhất 60% thu nhập từ lao động và vốn.

Oxfam tin rằng mức thuế đánh vào 1% người giàu nhất phải đủ cao và các quỹ sau đó nên được phân phối lại.

“Chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về sự tập trung của cải. Tôi nghĩ, điều quan trọng trước hết là phải nhận ra rằng điều đó không phải là không thể tránh khỏi. Một điều kiện tiên quyết mang tính chiến lược để kiềm chế tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng là đánh thuế những người cực kỳ giàu có” - Ahmed nói.

Tuy nhiên, Oxfam phải đối mặt với một trận chiến khó khăn. Khoảng 11 quốc gia cắt giảm thuế đối với người giàu trong đại dịch. Những nỗ lực tăng thuế đối với những người giàu có đã thất bại tại Quốc hội Mỹ vào năm 2021, mặc dù Đảng Dân chủ kiểm soát cả lưỡng viện và Nhà Trắng.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Thiệt hại của những người giàu nhất Nga khi phương Tây trừng phạt

Thanh Hà |

Lệnh trừng phạt Nga do phương Tây áp đặt khiến nhiều tỉ phú giàu nhất của Nga bị đóng băng tài sản ở nước ngoài.

Thỏi nam châm thu hút người giàu Trung Quốc đến làm việc và định cư

Ngọc Vân |

Singapore đang trở thành "thỏi nam châm" thu hút các chuyên gia và người giàu Trung Quốc đến làm ăn và định cư.

Những người giàu nhất thế giới tập trung ở đâu?

Bảo Châu |

New York, Tokyo và Paris là những thành phố có số lượng người siêu giàu nhiều nhất, riêng London xếp hạng là thành phố hàng đầu về lối sống và đầu tư.

Cháy nhà trong hẻm nhỏ ở TPHCM, cứu 1 người thoát nạn

Minh Tâm |

TPHCM - Trưa 12.9, các chiến sĩ chữa cháy đã dập tắt đám cháy tại một nhà dân trong hẻm nhỏ ở Quận 12, một người phụ nữ được cứu thoát kịp thời.

Xử lý sự cố bật tấm cao su tại khe co giãn cầu Hàm Rồng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Sau khi xảy ra sự cố bật tấm cao su tại khe co giãn cầu Hàm Rồng, lực lượng chức năng đã tiến hành khắc phục, xử lý.

Tranh luận giữa bà Harris và ông Trump có lượt xem kinh ngạc

Bùi Đức |

Hàng chục triệu người trên khắp thế giới theo dõi cuộc tranh luận giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris được phát sóng trực tiếp ngày 10.9.

Hàng trăm gói xôi ấm tình người ngày nước lũ

Việt Anh - Hoàng Lộc |

Người dân tại làng xôi Phú Thượng đã nấu hàng trăm gói xôi nóng, để sẵn sàng chuyển tới bà con bị ảnh hưởng những ngày mưa .

Theo chân những đoàn cứu trợ vào vùng lũ ở Tuyên Quang và Phú Thọ

Bài và ảnh: Tô Công |

Những đoàn cứu trợ mang theo nhu yếu phẩm đã trao tận tay người dân trong vùng lũ ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.