Phần Lan, Thụy Điển không lường được hậu quả gia nhập NATO?

Song Minh |

Người dân Phần Lan và Thụy Điển "chẳng được lợi gì" từ NATO, theo nhà nghiên cứu nổi tiếng, người được đề cử giải Nobel Hòa bình Jan Oberg.

Helsinki và Stockholm đang tìm cách gia nhập một “tổ chức thất bại” - Tiến sĩ Jan Oberg, người được đề cử giải Nobel Hòa bình và là Giám đốc của Quỹ Xuyên quốc gia về Hòa bình và Nghiên cứu Tương lai, nói với RT.

Việc trở thành thành viên NATO sẽ không làm cho Phần Lan và Thụy Điển an toàn hơn, nhưng có thể khiến họ chiến đấu cho các cuộc chiến của người khác và trở thành nơi đồn trú các căn cứ của Mỹ, theo tiến sĩ Oberg.

“Đó là một quyết định tai hại” - tiến sĩ Oberg nói hôm 15.5, sau tuyên bố chính thức của chính phủ Phần Lan rằng nước này sẽ đệ đơn gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Vài giờ sau, đảng cầm quyền ở Thụy Điển đưa ra một thông báo tương tự.

Hai quốc gia Bắc Âu này đứng ngoài NATO trong Chiến tranh Lạnh, nhưng chính phủ của hai nước cho biết chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina đã trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi, khiến họ đi đến quyết định tìm kiếm tư cách thành viên của NATO.

Tiến sĩ Oberg nói thêm, Phần Lan và Thụy Điển đã không tiến hành được “phân tích hậu quả dài hạn”. “Dường như không ai hỏi gia nhập NATO có phải là điều phù hợp hay không. Kể từ năm 1945, NATO đã chứng minh rằng họ không thể cung cấp sự ổn định, hòa bình và an ninh cho những gì người nộp thuế phải trả… Vậy mà sau đó Phần Lan và Thụy Điển nói: Chúng tôi sẽ tham gia tổ chức thất bại này” - ông Oberg bình luận.

“Chúng ta phải tự hỏi bản thân: Ai đã gây ra xung đột giữa Nga và Ukraina. Mọi người đều nói về cuộc tấn công của Nga - điều mà tôi cũng lấy làm tiếc - nhưng cơ bản cuộc xung đột này liên quan đến sự mở rộng của NATO” - nhà nghiên cứu hòa bình cho hay.

Mátxcơva viện dẫn một trong những lý do chính dẫn đến chiến dịch quân sự của nước này là để đảm bảo rằng Ukraina không bao giờ trở thành thành viên NATO.

Oberg cho biết ông hiểu mối quan ngại của Mátxcơva về việc NATO mở rộng tới sát biên giới Nga. “Nếu tôi ngồi ở Mátxcơva, tôi sẽ cảm thấy điều này là một mối đe dọa” - ông Oberg nhận xét, đề cập đến tư cách thành viên có thể có của Phần Lan và Thụy Điển.

“Khi bạn chuyển quân đến sát biên giới của cả hai bên, bạn sẽ làm gia tăng căng thẳng; bạn giảm thời gian phản ứng; bạn làm tất cả những điều bạn không nên làm nếu hòa bình là mục tiêu của bạn. Hòa bình không phải là mục tiêu của những người này” - ông Oberg nói.

Các tập đoàn công nghiệp - quân sự - “những người bán vũ khí và kiếm lợi từ chiến tranh” - sẽ hưởng lợi từ việc NATO có thêm hai thành viên mới, ông Oberg cho hay. Người dân Thụy Điển và người dân Phần Lan sẽ không được hưởng lợi từ việc này. Sẽ là hoàn toàn mới đối với họ khi giờ đây họ phải tham gia… vào các cuộc chiến của người khác.

Với việc Mỹ thúc đẩy các căn cứ ở Đan Mạch và Na Uy, "chúng ta có tin rằng sẽ không có căn cứ của Mỹ hoặc quân Mỹ hay thứ gì đó lâu dài hơn ở Thụy Điển và Phần Lan?" - ông Oberg đặt câu hỏi.

Nhà nghiên cứu hòa bình nói thêm rằng tư cách thành viên NATO cũng sẽ “mở ra cho các nước này khả năng phi hạt nhân hóa mà lẽ ra không bao giờ được thực hiện trong khu vực cụ thể này”.

Tiến sĩ Oberg cho biết thật "kinh hoàng" khi các chính phủ ở Helsinki và Stockholm không đưa vấn đề này ra trưng cầu dân ý. "Điều này chưa từng xảy ra với một quyết định quan trọng như gia nhập NATO”.

Trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ áp đảo đối với tư cách thành viên NATO ở Phần Lan, thì ở Thụy Điển, ý tưởng này được chưa đến 50% công chúng ủng hộ. “Tôi rất ngạc nhiên vì có quá ít cuộc thảo luận công khai, trong khi không ai để ý đến các cuộc biểu tình lớn ở các thành phố lớn ở Thụy Điển” - học giả nói.

Ông đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông, trong đó “80% đến 90% là ủng hộ NATO”, về tình huống này. “Ngày nay rất khó tiếp cận với giới truyền thông với một cách nhìn khác… Không có nền dân chủ và phương tiện truyền thông tự do nào trong việc này” - ông Oberg nhấn mạnh.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Mỹ sẵn sàng hỗ trợ quân sự Phần Lan-Thụy Điển trong quá trình gia nhập NATO

Song Minh |

Mỹ tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Phần Lan và Thụy Điển nếu cần để đối phó Nga trong quá trình gia nhập NATO.

Toàn cảnh căng thẳng Nga, Phần Lan, Thụy Điển về quá trình gia nhập NATO

Ngọc Vân |

Ngày 15.5, Phần Lan thông báo sẽ nộp đơn gia nhập NATO, và Thụy Điển dự kiến cũng sẽ có động thái tương tự bất chấp sự cảnh báo của Nga.

Phần Lan xác nhận sẽ gia nhập NATO, từ bỏ nhiều thập kỷ trung lập

Ngọc Vân |

Chính phủ Phần Lan ngày 15.5 tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập NATO, từ bỏ hàng thập kỷ trung lập thời chiến.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.