Danh dự, nhân phẩm của mỗi người là bất khả xâm phạm, đây là quyền con người, quyền công dân được quy định rõ tại Hiến pháp 2013. Cụ thể, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm; không bị dùng bất kỳ hình thức đối xử nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm; điều này cũng được cụ thể hóa tại Bộ luật dân sự 2015.
Tuy nhiên, việc công khai danh tính và hành vi những người mua bán dâm ở vỉa hè của Cán bộ công an thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân được pháp luật bảo vệ.
Bản chất hành vi mua bán dâm chỉ là vi phạm hành chính, không nghiêm trọng đến mức phải công khai danh tính người vi phạm và pháp luật cũng không cho phép thực hiện điều này. Việc công khai danh tính này sẽ gây xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của chính người có hành vi vi phạm, đồng thời, cũng gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến cuộc sống cuộc sống của gia đình của những người đó.
Ngoài mục đích răn đe thì việc xử phạt trong trường hợp này là nhằm cảm hóa, giáo dục người vi phạm; nhưng nếu việc xử phạt lại kèm theo việc công khai danh tính thì liệu mục đích ban đầu của việc xử phạt có đạt được hay không, hay lại tạo ra tâm lý tiêu cực cho người vi phạm, có cái nhìn sai lệch về pháp luật.
Hành vi của cán bộ Công an này cần phải xử lý nghiêm, nhằm mục đích răn đe, giáo dục đến mọi người dân, giúp mọi người ý thức tốt hơn về quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, ý thức được quyền lợi của bản thân cũng như tránh trường hợp xâm phạm quyền của người khác.
Trong vụ việc này, những người bị công khai danh tính có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do đã bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, theo điều 592 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: 1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trong trường hợp khởi kiện, những người này cần nộp đơn tại TAND huyện Phúc Quốc, nơi có thẩm quyền xử lý vụ việc.
Ngoài ra, họ còn có thể tố giác đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị khởi tố vụ án hình sự về Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017.