Tâm trạng rối bời cùng nhiều nỗi lo
Không giấu được sự vui mừng sau khi nhận kết quả trúng tuyển, Nguyễn Linh Chi - tân sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội cảm thấy hạnh phúc vì nỗ lực của bản thân được đền đáp xứng đáng.
Tận hưởng chưa hết niềm vui trúng tuyển, Linh Chi phải đối mặt với khó khăn khi tìm nhà trọ. Nữ sinh thường xuyên theo dõi các hội nhóm cho thuê nhà trên mạng để tìm phòng nhưng chưa thành công.
“Em tìm được một số phòng có giá 2-3 triệu đồng/tháng nhưng không gian khá chật hẹp và không có nơi để nấu ăn riêng. Còn những phòng trên 4 triệu đồng thì mức giá quá đắt, không phù hợp với tài chính hiện tại của em.
Theo tìm hiểu, bên cạnh tiền phòng, tiền điện nước, em còn phải đóng thêm một khoản tiền cho các chi phí dịch vụ chung như: Tiền mạng, thu gom rác, máy giặt, gửi xe... trung bình khoảng 300.000 đồng/người/tháng. Trong tương lai, em phải học cách quản lý chi tiêu hợp lý để tránh tình trạng “vung tay quá trán” - Linh Chi chia sẻ.
Bỡ ngỡ khi bước sang môi trường học tập hoàn toàn mới, Nguyễn Hương Ly - tân sinh viên Học viện Ngoại giao bày tỏ lo lắng khi nghe cách giảng dạy ở đại học khác với bậc THPT và lo sợ khó thích nghi với môi trường mới.
“Lên đại học, em sẽ phải làm quen với nhiều bạn mới, bắt đầu học cách sống tự lập mà không có bố mẹ bên cạnh. Em tự nhận thấy bản thân khá nhút nhát, rụt rè và môi trường học tập ở Học viện Ngoại giao rất năng động. Em lo lắng sẽ không hoà nhập được với bạn mới, cuộc sống mới” - Hương Ly nói.
Bên cạnh đó, nữ sinh còn lo ngại về vấn đề học phí. Đó là khoản tiền không nhỏ đối với gia đình Ly, nên em sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm để có thể phụ giúp cho bố mẹ.
Lời khuyên dành cho tân sinh viên
Thấu hiểu những lo lắng của tân sinh viên, Hoàng Văn Nam - sinh viên năm 2, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý, tân sinh viên nên tìm trọ sớm hoặc có thể lựa chọn đăng ký ở ký túc xá. Bởi gần thời điểm nhập học sẽ rất khó tìm được nhà trọ phù hợp với mong muốn và kinh phí của bản thân.
"Các em cần cân nhắc kỹ lưỡng về kinh tế gia đình và nhu cầu bản thân. Từ đó, quản lý chi tiêu hợp lý với những khoản thật sự cần thiết như: tiền trọ, tiền điện nước, đi lại, tiền học... và hạn chế tiêu xài quá tay" - Nam chia sẻ.
Dành lời khuyên cho các tân sinh viên, Dương Hoàng Anh - sinh viên năm 2 Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, thời gian đầu khi mới lên Hà Nội, tâm trạng chung của nhiều sinh viên là bỡ ngỡ và lo lắng, lúc nào cũng cảm thấy nhớ nhà. Tuy nhiên, các em không nên quá rụt rè, khép mình mà bỏ lỡ những cơ hội giao lưu và thể hiện bản thân.
“Khi lên đại học, tân sinh viên có thể cảm thấy bị “ngợp” trước môi trường hoàn toàn xa lạ, bạn bè năng động, tài giỏi và chương trình học có sự khác biệt so với bậc THPT. Các em cố gắng tìm kiếm cho bản thân một phương pháp học tập phù hợp, kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Bên cạnh việc học, các em nên sắp xếp thời gian để tham gia câu lạc bộ học tập, giao lưu làm quen với thầy cô, bạn bè mới và khám phá, trải nghiệm những địa điểm thú vị ở Hà Nội” - Hoàng Anh chia sẻ kinh nghiệm.