Chợ quê

hữu giới |

Đã từ nghìn đời nay, người dân Việt thường thích sống quần tụ theo cộng đồng gắn bó mật thiết với công cuộc giữ nước, khai khẩn lập làng, lập ấp, mở chợ. Bước chân người Việt đặt chân tới đâu, tức khắc sản sinh ra những tên đất, tên làng, mái đình, lũy tre thân thuộc... và trong đó, không thể thiếu một “không gian chợ”.

Chợ như một biểu tượng, một di sản văn hóa phi vật thể - thân quen và gần gũi cho cộng đồng và cho chính mình (đơn cử chỉ tỉnh Bắc Ninh quê tôi, đã tồn tại qua bao thế kỷ những cái chợ thật gần gũi, với những cái tên thân thuộc, dân dã Việt Nam như: Chợ Hồ, chợ Sủi, chợ Nôm, chợ Keo, chợ Núi, chợ Chì, chợ Nành...). Có nhà nghiên cứu văn hóa đã nêu ra suy nghĩ mang tính triết lý: “Chẳng nơi nào trong ngôi nhà ấm cúng bằng bếp, không góc nào trong nhà thiêng liêng bằng bàn thờ và ở ngoài thì không chỗ nào đậm chất văn hóa như chợ!”.

Ngày nay, ở nhiều vùng quê, làng quê Việt Nam, kể cả vùng núi cao, biên giới, ven biển, hải đảo... vẫn còn khá nguyên vẹn nét chợ quê và không gian chợ ở vùng quê. Trong dân gian, như một quy luật sinh tồn của tạo hóa, chợ tự sinh và tự hủy: Nó được hình thành do nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và lưu thông, buôn bán của một vùng quê, một làng, xã, địa phương, cộng đồng. Đặc biệt là nó mang đậm bản chất, bản sắc của cư dân bản địa, ví dụ như: Chợ cá ở vùng ven biển khác chợ nông sản, thực phẩm ở vùng đồng bằng; Chợ miền núi vùng cao lại rất khác so với chợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Nhìn ở góc độ kinh tế thuần túy, chợ quê cũng là thước đo để đánh giá tương đối chính xác trình độ và mức độ phát triển kinh tế và thu nhập của cư dân trong vùng, miền/ địa phương.

Giã trầu ở chợ quê. Ảnh: An Thành Đạt
Giã trầu ở chợ quê. Ảnh: An Thành Đạt

Hình ảnh khá quen thuộc của khu vực chợ tại những vùng quê Việt Nam trước đây thường là một khu đất trống ven làng, kề bên bến sông, sau cánh đồng, hoặc quần tụ quanh gốc đa, mái đình và luôn sẫm một màu quần áo - vải nâu. Người tứ xứ tìm đến chợ để bán gánh thóc, thúng lạc, đỗ, khoai, củ, mớ rau, mớ tôm, cua, cá, hoặc gia súc, gia cầm... và để mua nông - lâm - ngư cụ, các vật dụng thiết yếu cho gia đình. Và hiển nhiên là, trong chợ chẳng bao giờ thiếu các hàng quán ăn, uống đậm chất văn hóa bản địa, phục vụ từ già tới trẻ. Câu ngạn ngữ của người xưa: “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân” đã phần nào nói lên biểu tính cũng như “thấu kính” ấy của chợ.  Đặc thù của chợ quê như một “thấu kính” soi rõ đời sống của từng cộng đồng người Việt, từng số phận - con người ở khung cảnh chợ - nơi đó cá tính của con người được bộc lộ và thể hiện khá rõ nét trong từng cách ứng xử, từng lời nói biểu đạt, từng cử chỉ mà không cần che đậy hoặc tô vẽ.

Chợ còn là không gian sinh hoạt cho mỗi cá thể sống. Nơi “chợ, búa” ấy, mọi hỷ, nộ, ái, ố, mọi cung bậc tình cảm của đời sống con người được dung nạp và phơi bày. Nếu như đi chợ thành thị, phố xá, người ta thán phục trước sự giàu có, sung túc, xa hoa của hàng hóa, cũng như có khi “kinh khiếp” trước mọi mánh lới buôn bán, hoặc lừa lọc của tư thương, thì trái lại, thăm các chợ quê (kể cả chợ vùng cao, miền sơn cước), người ta thường ngỡ ngàng với điệu hát xẩm, hát then, với những câu mặc cả đầy thổ ngữ địa phương, với kiểu cách trêu ghẹo và lối pha trò thâm thúy của ngạn ngữ dân gian, hay thích thú nếm các món ăn vặt của vùng quê. Chẳng phải các bà, các cô, các chị đi chợ rất thích các món: Bún riêu cua, bánh đúc, bánh đa kê, còn cánh đàn ông thường khoái khẩu ngồi cà kê quanh cút rượu đế, đĩa thịt chó, nhựa mận, miếng thủ lợn hay nồi thắng cố nghi ngút khói đó sao?

Đi chợ cũng có nhiều sự khác biệt: Nếu như ở vùng đồng bằng, đi chợ đa phần là phụ nữ, thì ở vùng cao, biên giới, rất nhiều đàn ông tham gia xuống chợ. Trên các triền đê vùng đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, ta thường thấy đa số phụ nữ kĩu kịt gánh gồng đến chợ (nay thì họ dùng xe đạp, xe máy, thậm chí cả ôtô). Ở vùng miền núi, mỗi phiên chợ là một bảng phối màu rực rỡ tô điểm cho sắc lam của thiên nhiên: Với người Lô Lô áo hoa sặc sỡ có hàng trăm miếng ghép, người H’Mông tròn xoe tà váy rực rỡ; người Thái, người Mường nền nã, yểu điệu với dải thắt lưng thêu hoa văn... Đặc biệt với người vùng cao, đi chợ còn để uống rượu với anh em bạn bè đến no say. Đi đến các chợ vùng núi cao, ta thường bắt gặp hình ảnh khá phổ biến của người Dao, người H’Mông khi xuống chợ thì người chồng dắt ngựa thồ hàng, còn khi về thì người vợ lại làm thay việc dắt ngựa cho chồng.

Nếu như ở miền Bắc, miền Trung thường họp chợ trên bờ, thì ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, một số chợ lại họp trên sông nước, kênh rạch... rất độc đáo. Tôi đã có dịp chứng kiến chợ nổi ấy trên sông Hậu Giang ở Cần Thơ và sông Tiền Giang... với hàng trăm con thuyền lớn, bé với nhiều loại hàng hóa, sản vật của địa phương. Các thuyền nương theo con nước tụ về một ngã ba, ngã tư, ngã năm... để họp chợ, buôn bán, giao thương, rồi lại tỏa đi khắp các vùng, mang theo sản vật vùng này đến các vùng miền khác... Cứ như thế, cuộc sống của người dân Việt vẫn diễn ra bền bỉ, âm thầm sinh sôi và chợ quê vẫn luôn là một “di sản” vật chất và tinh thần đặc trưng của người Việt Nam qua bao biến thiên của thời cuộc.

Có thể thấy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với thời gian, chợ ở vùng quê bây giờ cũng có nhiều thay đổi khác trước, hiện đại hơn, văn minh hơn, đặc biệt hàng hóa, sản vật của các vùng miền phong phú hơn trước. Tuy nhiên, về cơ bản, chợ quê vẫn giữ được những cốt lõi truyền thống vốn có của nó trong đời sống đổi thay nhanh đến chóng mặt; trong sự tiếp biến văn hóa có phần cởi mở, giao lưu, hội nhập nhanh chóng như hiện nay.

hữu giới
TIN LIÊN QUAN

Người giữ nghiệp quê

Lê Ngọc Minh |

Chị Hằng, anh Hào cán bộ của ban Tuyên giáo Thành ủy Sầm Sơn đưa chúng tôi đến gặp cụ Hoàng Thăng Ngói - người đã có thời gian làm phó rồi chủ tịch UBND xã Quảng Tường (nay là phường Bắc Sơn, TP.Sầm Sơn) đến hơn hai mươi năm, từ năm 1963 đến 1989. Cụ Ngói giờ đã 90 tuổi, một người lắm bí kíp làm nước mắm truyền thống mà trong vùng được nhiều người truyền tụng.

Một đời thả hồn quê Việt vào tranh

Nguyễn Ngọc Phú |

Con sông Tân Giang phía Nam TP.Hà Tĩnh mềm mại như một dải lụa uốn lượn có những chiếc cầu vồng bắc qua như những chiếc nơ thắt thật duyên dáng. Con đường chạy dọc sông được mang tên danh họa vẽ lụa - đường Nguyễn Phan Chánh.

Giếng làng một mảnh hồn quê

Lê Bích |

Ở miền bắc, hầu như làng nào cũng có ít nhất một cái giếng. Giếng là một thành phần không thể thiếu đã tạo thành hình ảnh “cây đa, giếng nước, sân đình”. Giếng làng có nhiều hình đa dạng: Tròn, vuông, chữ nhật, bán nguyệt, bát giác... Giếng được đào rộng, xung quanh và thành giếng thường xây gạch, xếp đá hoặc gạch đá ong. Giếng không xây thành là giếng đất.

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.