Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Qua hàng nghìn năm, Vu lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
"Ngày lễ Vu lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, dành tri ân, báo ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ. Đây là sự kết hợp giữa văn hóa Phật giáo với truyền thống tri ân báo ân của văn hóa dân tộc Việt Nam", Thượng tọa Thích Đức - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ.
Theo Thượng tọa, Vu lan là thời điểm ta nhớ về công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mình bằng những việc làm thiết thực nhất. Ai còn cha mẹ thì hãy dành tình cảm yêu thương, chăm sóc cha mẹ. Với ai mà cha mẹ đã quá vãng cũng phải dành phút giây tưởng niệm của mình, hồi hướng công đức của mình cho tổ tiên, ông bà bằng hành động thực tế.
Về chuyện lễ vật và thành tâm, thượng tọa Thích Đức Thiện nhắc mọi người Phật pháp là ở cái tâm chứ không phải lễ lớn lễ nhỏ.
Nhân dịp lễ Vu lan năm nay, một sự kiện đang được chư tăng ni, Phật tử và đông đảo khán giả chờ đón là chương trình cầu truyền hình trực tiếp Đại lễ Vu lan 3 miền với 3 điểm cầu: Chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Giác Ngộ (TP.HCM), Nghĩa trang Liệt sỹ đồi A1, tỉnh Điện Biên.
Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 1.9.2020 (tức ngày 14.7 năm Canh Tý) và được trực tiếp trên Kênh Truyền hình An Viên (VTVcab), các ứng dụng: ON, Onme và nhiều hạ tầng khác.