Làm du lịch ở “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ
Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai được xem “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ. Năm 2011, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Tại đây có hàng ngàn loài thực vật và động vật quý hiếm, đặc hữu.
Do đó, để bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2030, thông qua đề án phát triển du lịch sinh thái sẽ thu hút 120.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú đạt trên 12.400 lượt, 111.600 lượt khách tham quan, doanh thu đạt khoảng 40 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho trên 1.580 lao động.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết: Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021 - 2030 là căn cứ quan trọng để đơn vị thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng.
Theo quy hoạch của đề án, có 51 điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ có khả năng liên kết theo tuyến, theo chủ đề, tiếp cận theo sản phẩm du lịch và các hệ sinh thái. Tổng vốn đầu tư là trên 991 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách 20 tỉ đồng và 971 tỉ đồng là nguồn kêu gọi đầu tư…
Nhà đầu tư còn băn khoăn pháp lý, kết nối giao thông
Đại diện Công ty Cổ phần hệ sinh thái Bạch Mã cho biết, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch. Tuy nhiên, những vấn đề về lập dự án đầu tư, xin cấp phép xây dựng, thu hồi đất… cần phải được làm rõ.
Đồng thời, đề xuất cơ chế đặc biệt để đầu tư phát triển du lịch tại Đồng Nai được hiệu quả, tránh gặp phải các thủ tục rườm rà, chậm chạp gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai - cho biết, việc đầu tư du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai được thực hiện theo tiêu chí du lịch sinh thái, không xây dựng kiên cố, theo nguyên tắc chỉ thuê môi trường rừng. Do đó, thủ tục không quá phức tạp, khác với việc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Ông Hảo cũng cho biết thêm, theo quy hoạch các tuyến đường ĐT 768, ĐT 767 ven sông Đồng Nai sẽ được nâng cấp mở rộng.
Ngoài ra, các đường ven hồ Trị An kết nối quốc lộ 20, các cây cầu cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới góp phần tăng cường khả năng kết nối giao thông đối với các dự án du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Theo đề án, các sản phẩm du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai gồm: Du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch thể thao và khám phá; du lịch vui chơi, giải trí tổng hợp; du lịch sinh thái kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khoa học, nghiên cứu, thực tập, giáo dục môi trường; dịch vụ nhà hàng ăn uống, ẩm thực, mua sắm...