Lang thang chụp bao nước châu Á, Rehahn có mối lương duyên đặc biệt với Việt Nam và trong kho tàng hơn 50.000 tấm hình chụp tại đây, anh luôn coi bức hình chụp bà Xong cách đây 5 năm là cảm xúc nhất. Nó mang tính biểu tượng cho người già ở VN vẫn hăng say lao động, lạc quan và yêu đời. Bức chân dung ấn tượng này đã xuất hiện trên rất nhiều tạp chí nhiếp ảnh, du lịch quốc tế, được tác giả tặng lại Bảo tàng Phụ nữ VN và dùng làm bìa cho một cuốn sách ảnh về VN.
Tháng 7 năm ngoái, khi tôi lần đầu gặp hai vợ chồng bà Xong cùng làm nghề chèo đò, đã về thăm căn nhà nhỏ nằm sâu trong xóm nhỏ, trò chuyện và nghe họ kể về cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn. Ông Đỗ Tới từ năm 17 tuổi đã đi làm thuê cho tàu lớn, theo nghề biển, đến khi gần thất thập mới nghỉ để chuyển sang nghề chèo đò cùng vợ - bà Xong. Cứ 8 giờ sáng cả hai ra khỏi nhà và 5 giờ chiều thì trở về, chiếc đò nhỏ của họ chở khách du lịch đi trên sông Hoài, chừng 30 phút, với mức 50k/khách…
Quay lại sau hơn 1 năm, thấy bà lặng lẽ một mình bên con đò nhỏ, hỏi mới biết ông Tới đã mất tháng 9 năm ngoái vì bệnh tim. Gương mặt bà Xong thoáng buồn, mắt như ngấn nước, nhưng rồi bà bảo “cuộc sống ai cũng phải chết mà” và bà lại cười. Nụ cười của người đàn bà lao động thuần phác thật đẹp.