Tranh con giáp năm Kỷ Hợi

đỗ phấn |

Con lợn là vật nuôi được thuần hóa lâu đời của nhân loại. Người Việt chẳng biết đã thuần hóa loài lợn từ bao giờ và hình như công việc ấy vẫn đang tiếp diễn khá phổ biến ở những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ với giống lợn rừng thuần chủng. Có lẽ vì thế nên con lợn đã có mặt trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam từ rất sớm.

1.Các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng đều có những tác phẩm vẽ về đề tài này. Nó như một thú chơi hướng đến khát vọng no đủ cho những ngày tết. Tranh dân gian vẽ con gà, con lợn luôn có mặt ở chợ tết bất kể là năm nào. Những con vật khác trong 12 con giáp không xuất hiện với ý nghĩa đơn thuần chỉ là con giáp của năm. Con rồng có trong tranh “Múa rồng”, con trâu trong tranh “Chăn trâu thổi sáo”, hay con mèo con chuột có trong tranh “Đám cưới chuột” nhằm phản ánh nội dung khác.

Họa sĩ Việt Nam hiện đại cũng bắt đầu quan tâm đến đề tài vẽ tranh con giáp kể từ khi thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1925. Cái cốt lõi của việc này không gì khác hơn vẫn là theo truyền thống chơi tranh Tết của người Việt. Gần một trăm năm trước khi nói đến tranh cũng đồng nghĩa với nói đến các loại tranh dân gian bán ở chợ và treo trong nhà vào dịp Tết. Ngày thường chẳng ai quan tâm đến chúng làm gì. Hội họa Việt Nam may mắn thay có một lượng khán giả tiềm năng chơi tranh Tết từ rất lâu đời. Tất nhiên trình độ thưởng thức vẫn cần phải nâng lên nhiều hơn nữa khi đời sống kinh tế đã khá giả hơn.

Chẳng biết có phải cái bóng của những tác phẩm dân gian rất sâu đậm trong lòng người Việt hay không? Họa sĩ Việt Nam khá ít người vẽ tranh con lợn vào những năm Hợi. Nếu có vẽ ra thì bóng dáng của con lợn trong tranh Đông Hồ hình như luôn phảng phất. Hình tượng, lợn mẹ lợn con hay lợn ăn cây ráy đã gần như những khám phá hết sức triệt để về mặt tạo hình. Nó đã được cách điệu hóa duyên dáng từ những quan sát thực tế qua nhiều thế hệ người làm tranh đến mức khó lòng thêm bớt. Đã thế, vì là tranh in gỗ nên số lượng không giới hạn. Có thể đáp ứng nhu cầu của đông đảo. Họa sĩ hiện đại nếu như vẽ tranh con lợn vào dịp tết nhiều lắm vài chục bức là chưa thấm tháp gì so với số lượng tranh in dân gian hàng vạn bản.

Họa sĩ Việt Nam hiện đại có vài người vẽ tranh con giáp đều đặn mỗi dịp tết. Phần lớn để thỏa mãn thú chơi của chính mình và mang tặng bạn bè. Dù là các bậc tài danh như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm vẽ ra thì tranh con giáp vẫn được cho là kém giá trị hơn những tranh khác. Thế nhưng đã là thú chơi thì không thể bỏ qua. Và có muốn bỏ qua cũng khó. Bạn bè sẽ nhắc nhở làm cho chính họ cũng thấy nôn nao muốn động bút. Họa sĩ vẽ tranh con giáp gần như không phân biệt lứa tuổi. Từ cậu bé mới tốt nghiệp trường mỹ thuật cho đến các họa sĩ lão thành đều có niềm say mê này. Tất nhiên vẽ toàn bộ 12 con giáp đạt đến độ nghệ thuật không có nhiều người lắm. Có thể tạm kể ra những ông Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn... Dù thành công của các ông ở những mức độ khác nhau nhưng đó là những người đều đặn hàng năm có tác phẩm.

Dĩ nhiên lợn là con vật không mấy được tôn trọng trong tiềm thức dân gian. Người ta thường mắng nhau “Ở bẩn như lợn”, “Ngu như lợn” hoặc kinh nữa là “Đồ mặt lợn”. Đó là những cách thức xúc phạm nhau không hề nhỏ dù rằng thịt lợn vẫn còn là niềm mơ ước của nhiều người Việt. Chẳng thế mà có nhóm thiện nguyện lấy tên là “Cơm có thịt” nhằm giúp đỡ bữa ăn hàng ngày cho trẻ em vùng sâu vùng xa thiếu thốn. Bữa cơm có thịt là mơ ước của cả người lớn và trẻ con.

Lợn là con vật thân thuộc với con người vào bậc nhất. Không chỉ ở nông thôn, ngay Hà Nội những năm bao cấp chiến tranh cũng có phong trào nuôi lợn. Nhà nhà nuôi lợn. Chiều đến khói bếp mùn cưa trộn với mùi cám lợn tỏa lan khắp phố phường. Trẻ con đi học đến lớp biết ngay nhà đứa nào nuôi lợn. Vất vả nhưng vui và ít nhất chúng cũng có hiểu biết sơ qua về con vật hàng ngày là thức ăn quý hiếm. Lũ trẻ bây giờ nhiều đứa học lớp sáu vẫn chưa được nhìn thấy con lợn thật bao giờ. Lợn của chúng ở nhà là lợn nhựa, lợn đất.

2.Với những người hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp thì con lợn hay bất kỳ con vật nào cũng là đối tượng sáng tác cần phải có quan sát, nghiên cứu tỉ mỉ, thận trọng. Lợn là con vật rất khó vẽ không chỉ vì nó là loài có muôn hình vạn trạng của nhiều giống khác nhau. Đấy là còn chưa kể đến những ẩn ức tâm lí về một con vật kém thông minh và ở bẩn. Có lẽ ngần ấy giống lợn chỉ có một đặc điểm chung nhất là tiếng kêu mà thôi. Tiếng kêu lại không nằm trong những phản ánh bằng hình ảnh. Nghệ sĩ dân gian xưa đã tìm ra những cách miêu tả tuyệt vời. Con lợn trong tranh dân gian sống động với cái nhìn hướng đến sự no đủ vui vầy cũng là những thành công đáng kể.

Hội họa hiện đại ít khi còn dùng thủ pháp kể lể như vậy bởi vì phương tiện miêu tả giờ đây là không giới hạn. Anh có thể vẽ thực còn hơn cả một bức ảnh. Lại cũng có thể miêu tả sáng tối, xa gần khái quát hơn hiện thực. Đích đến của bức tranh luôn là tạo ra được xúc cảm thẩm mỹ cho người xem. Nói tóm lại là người xem phải thấy đẹp. Thế nhưng cái đẹp ngày thường lại không giống như ngày tết. Bảng hòa sắc trầm tối không thể phù hợp với tâm trạng của người ăn Tết. Đường nét vóc dáng con vật bạo liệt hung tợn cũng là thứ khó treo trong nhà vào dịp Tết. Người vẽ cùng lúc phải giải mấy bài toán như vậy kể cũng không dễ dàng gì. Có khi vẽ hàng chục bức mới được một bức tương đối ưng ý. Thế nhưng người vẽ có lương tâm lại không thể nhân bản những bức ưng ý của mình. Vậy là so đo tính toán cả buổi có khi chẳng vẽ nổi bức nào.

Nhưng người chơi tranh con giáp lại luôn là bạn bè với họa sĩ. Họ hiếm khi đi tìm mua tranh con giáp hiện đại vào dịp tết. Mà có tìm mua chắc rằng cũng chẳng mấy ai bán. Tất cả trông chờ vào sức sáng tạo của họa sĩ. May rủi cũng nhiều. Có người đã làm khung chọn chỗ treo tranh sẵn ở nhà nhưng họa sĩ không thể vẽ kịp trước Tết. Đành thôi. Vài người dễ tính có thể mang những bức tranh mình chưa thích lắm về nhà. Người khó tính sẽ chờ năm sau. Đó là điều không thể tránh khỏi. Họa sĩ không phải là cái máy in có thể vẽ con gì cũng đẹp như nhau. Có con vật được yêu thích và cũng có con vật gây chán nản.

May mắn thay người chơi tranh con giáp sẽ giải tỏa cho họa sĩ những lo lắng ấy. Họ sẽ mang bức tranh chưa ưng ý lắm về nhà treo vài hôm Tết mà thôi. Hết Tết có thể gỡ xuống treo tranh khác.

12.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

8 triệu m3 đất đá nguy cơ sạt lở, người dân di dời khẩn cấp

Bài và Ảnh: Đặng Tình |

Hòa Bình - Một khu vực đồi cao rộng 7ha với 8 triệu m3 đất có nguy cơ sạt lở khiến hàng trăm người dân phải di dời khẩn cấp.

Sạt lở, đất đá đổ xuống đèo Bảo Lộc trong đêm tối

HOÀI THANH |

Trên Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vừa xảy ra tình trạng sạt lở đất đá trong đêm tối.

TPHCM áp dụng bảng giá đất hiện hành tính thuế về đất đai

Bảo Chương |

UBND TPHCM chính thức có văn bản cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế trong lúc chờ ban hành bảng giá đất mới.

Hàng nghìn người tận hưởng lễ hội mùa thu Hà Nội

Thạch Lựu |

Sáng 21.9, hàng nghìn lượt khách du lịch đã tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc của Festival Thu Hà Nội năm 2024 tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Tin 20h: Còn bao nhiêu cơn bão vào nước ta trong năm 2024?

NHÓM PV |

Tin 20h: Hàng nghìn hộ dân ở Quảng Ngãi nằm trong vùng nguy cơ sạt lở; Mùa bão dữ dội, dự báo còn bao nhiêu cơn bão đổ bộ đất liền?

Chelsea tạm chiếm vị trí nhì bảng Premier League

tam nguyên |

Giành chiến thắng 3-0 trên sân West Ham ở trận đấu tối 21.9, Chelsea tạm vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Premier League với 10 điểm.

Sập giàn giáo ở Ninh Bình khiến 2 người tử vong

NGUYỄN TRƯỜNG |

Trong lúc các công nhân đang tiến hành đổ bêtông tại một nhà xưởng ở xã Ninh An (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) không may giàn giáo bị sập khiến 2 người tử vong.

Lo lắng, mệt mỏi sống chung với nước ngập ở Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG |

Cần Thơ - Sống chung với nước ngập, nhiều gia đình gần công trình Âu thuyền Cái Khế lo người già, trẻ nhỏ bị ảnh hưởng sức khỏe.