Chiều xuống bóng, trung úy Trần Thị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương- người quyết tử ôm lá cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma trong trận hải chiến tháng 3.1988 cùng con gái và người thân lặng lẽ sắp đặt mâm trái cây dâng bố và các chú.
Trong không gian tĩnh mịch ấy tiếng khóc nhỏ của cô con gái chỉ biết đến bố qua những tấm ảnh và nỗi lòng khắc khoải khôn nguôi. Không như những năm trước, 2 năm nay từ khi khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hoàn thành, Thủy có nơi để về mỗi khi nhớ bố.
Với mẹ con chị Đỗ Thị Hà (Phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) thân nhân liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh chuyển ngày giỗ chung âm lịch (27.1) đến ngày 14.3 chị lại cùng con chạy xe ra khu tưởng niệm Gạc Ma dâng hương tưởng nhớ chồng và các đồng đội của anh.
Trong tâm khảm người vợ ấy, tháng 3 là nỗi lòng không thể nào quên, là dấu mốc thay đổi cuộc đời chị như thước phim quay chậm. “Ngày anh hi sinh như có linh cảm trong người tôi cứ đứng ngồi không yên, mãi cả tháng sau mới nghe tin qua đài các chiến sĩ hi sinh ở Trường Sa, rồi cứ chờ đợi, cứ trông ngóng mãi cho đến lúc đơn vị báo tin mất tích mà tôi mới tin, nhưng rồi cũng chỉ mong là mất tích thôi, tự bảo mình rồi anh sẽ về, sẽ về… mà hơn 30 năm”. chị Hà lặng nói.
Có lẽ với thân nhân các gia đình liệt sĩ ở gần khu tưởng niệm Gạc Ma nỗi nhớ những ngày này còn có nơi để sẻ chia. Nhưng nhiều thân nhân liệt sĩ Gạc Ma điều kiện xa xôi ngăn cách.
Cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Dũng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) bộc bạch: "nhiều năm rồi anh em trông mong một nơi để tri ân, một nơi để tưởng nhớ nay đã thành hiện thực. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma do Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng thực sự đã là nơi yên nghỉ đẹp bên bờ biển quê hương, nguyện vọng thỏa lòng. Anh em đồng đội cả nước ai cũng muốn một lần đến thăm thắp nén nhang tưởng nhớ". Những năm qua anh Dũng cùng các đồng đội vẫn miệt mài với những hoạt động tri ân các mẹ, hỗ trợ đồng đội vượt khó mưu sinh.
Đại tá Đào Giang Hải nguyên chính ủy lữ đoàn 146 Hải Quân người cùng với 30 chiến sĩ của mình trân trọng áp tải 20 cây bàng vuông, phong ba của quân dân các điểm đảo Trường Sa gửi tặng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cách đây 2 năm cũng không khỏi bồi hồi: Anh em chiết từng cây ở các đảo, ròng rã 6 tháng chuyên chở từng chuyến tàu ở đảo về đất liền.
Mỗi cây bàng vuông mang theo tâm nguyện của đồng đội: đảo là nhà mình, Trường Sa nơi các anh gìn giữ cây bàng vuông biểu tượng đang tươi xanh và thế hệ sau vẫn đang gìn giữ những mầm xanh đó vươn cao. Và tháng 3 năm nay bàng vuông đã nở hoa, những cây phong ba cũng vươn mình xanh tốt.