Khám bảo hiểm y tế, bác sĩ kê toa ra ngoài mua thuốc
Theo phản ánh của người dân, sự việc này kéo dài đã hơn 2 tháng nay ở một số bệnh viện công tại Bình Dương. Ghi nhận của PV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, người dân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khi bác sĩ kê đơn thuốc thì yêu cầu ra ngoài mua một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp và một số bệnh đặc trị khác.
Bà H.T.N (59 tuổi, ngụ phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát) cho biết, bà bị bướu cổ và tăng men gan, thường xuyên khám và điều trị tại bệnh viện bằng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, sau mỗi lần khám bệnh, bác sĩ ghi trong đơn chỉ định mua một số loại thuốc ở ngoài bệnh viện. Mỗi lần mua thuốc ngoài theo đơn mất khoảng 400.000 đồng. Trong khi đó, những loại thuốc điều trị bệnh của bà N trước đây đều được bệnh viện phát theo bảo hiểm y tế.
Tương tự, bà H.T.M (79 tuổi, ngụ xã An Điền, thị xã Bến Cát) đi xe buýt hơn 30km xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương khám bệnh. Bà M được chẩn đoán bị bệnh tim thiếu máu cục bộ và tăng huyết áp vô căn. Trong đơn thuốc có 7 loại, bác sĩ cũng chỉ định ra ngoài mua thêm 2 loại.
Bà H.T.C (58 tuổi, ngụ phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một) cũng cho hay, bà bị bệnh tiểu đường, trước đây được bệnh viện phát đủ thuốc trong đơn. Nhưng gần đây, bà phải ra ngoài mua cho đủ đơn thuốc. “Tôi thuộc diện hộ nghèo, mỗi lần ra ngoài mua thêm mất khoảng 400.000 đồng. Dù khó khăn nhưng tôi cũng phải vay mượn ráng mua thuốc uống cho đủ” - bà C nói.
Thiếu thuốc do phải chờ thủ tục đấu thầu
Ông Lục Duy Lạc - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương - xác nhận việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh hiện nay. Nhưng chủ yếu thiếu thuốc đặc trị.
Giải thích về lý do thiếu thuốc, ông Lục Duy Lạc cho rằng, theo quy định để có nguồn thuốc bảo hiểm y tế cấp cho bệnh nhân, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung của tỉnh. Nhưng kết quả đấu thầu mua thuốc năm 2018 của các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã hết hiệu lực từ tháng 3.2019. Từ đó dẫn đến, những cơ sở không mua đủ thuốc dự trữ “gối đầu” từ trước nên rơi vào tình trạng thiếu nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế. Đặc biệt, một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông nên cũng làm cho một số loại thuốc hết sớm, vì vậy phải kê đơn cho bệnh nhân mua thuốc ở ngoài.
Theo ông Lục Duy Lạc, ngày 7.11.2019, đơn vị mua thuốc tập trung đã mở gói thầu mua thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế ngoài công lập có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tỉnh Bình Dương năm 2019-2021.
Hiện tại, gói thầu mua thuốc theo tên biệt dược đã được đánh giá xong phần kỹ thuật. Đơn vị mua thuốc tập trung trình Sở Y tế thẩm định và phê duyệt với 60 mặt hàng thuốc. Sau khi có quyết định phê duyệt các mặt hàng thuốc đạt kỹ thuật, sở sẽ tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu và có kết quả lựa chọn trong tháng 12.2019. Gói thầu thuốc thông thường, đã đánh giá xong phần tính hợp lệ, năng lực kinh nghiệm của nhà thầu. Sở Y tế nói rằng, dự kiến sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 1.2020.
Theo Cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương, pháp luật quy định cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ để khám chữa bệnh. Việc bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mà cơ sở khám chữa bệnh và bác sĩ kê toa cho bệnh nhân ra ngoài mua thuốc thì không được thanh toán lại theo quy định ở Nghị định 146/2018/NĐ-CP.