Nhưng Nguyễn Nguyệt Linh, nữ sinh lớp 5 chuẩn bị vào lớp 6 Trường Marie Curie (Hà Nội) là “người trong cuộc” lại có cái nhìn khác. Em nhìn thói quen thả bóng bay “bay cao ước mơ của các học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”. Đó là ước mơ môi trường sống trong lành, không bị ô nhiễm và tắc nghẽn bởi rác thải nhựa và cao su khó tiêu hủy, trong đó có bóng bay.
Thư của Nguyệt Linh viết chân thật, trong sáng, ngây thơ và dù có chút non nớt nhưng đã làm lay động được trái tim của nhiều người trong những ngày qua, trong đó đặc biệt là các thầy/cô hiệu trưởng nhiều trường đại học, trung học phổ thông, trung học cơ sở trên cả nước – chính là những người ra quyết định thả bóng bay và cũng chính là những người có thẩm quyền hủy quyết định đó để bảo vệ môi trường.
Một việc rất bình thường, rất quen thuộc được nhìn ở một góc độ “tích cực” phục vụ cho nghi thức lễ khai giảng. Nhưng dưới một góc nhìn khác, nó có thể gây nguy hại đến môi trường. Và Nguyễn Nguyệt Linh đã nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta, những người đọc bức thư của em, và cả xã hội, rằng hãy biết bảo vệ môi trường sống của chính mình, của động vật trong thiên nhiên, chỉ bằng một chút thay đổi nhỏ về thói quen tiêu dùng.
Như một thầy hiệu trưởng bộc bạch, nếu hàng năm các trường từ bậc đại học đến trung học phổ thông và cơ sở, mẫu giáo… không thả bóng bay, số tiền tiết kiệm được là hàng tỉ đồng, lại bảo vệ được môi trường, thì tại sao chúng ta không hưởng ứng và thực hiện?
“Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ”, cuối thư Nguyễn Nguyệt Linh viết.
Điều đó không chỉ khiến những thầy hiệu trưởng, thầy cô giáo mà cả người lớn chúng ta thức tỉnh và vui mừng. Sự thức tỉnh vì thấy cần phải thay đổi nhận thức và hành vi để chung tay bảo vệ môi trường; còn vui mừng vì thế hệ các cháu còn non trẻ đã biết yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường với sự tìm tòi hiểu biết để vận động và hành động.
Những học sinh như Nguyệt Linh chính là những hạt mầm tích cực đang được gieo trong xã hội dần lan tỏa để nhiều thế hệ khác cùng đi đến hành động giảm thiểu chất thải nhựa.
Chắc chắn, từ bức thư của Nguyệt Linh, sự lan tỏa trong cộng đồng với tinh thần hưởng ứng tích cực trong những ngày qua, mùa khai giảng sắp tới cho dù không có bóng bay cũng sẽ đầy cảm xúc và còn ý nghĩa hơn nữa là “lễ khai giảng không bóng bay” tại các trường còn đóng góp một cách thiết thực trong việc chung tay bảo vệ môi trường.
Và chúng ta, hãy bắt đầu hành động với một lễ khai giảng “kiểu mới” từ bức tâm thư của Nguyễn Nguyệt Linh.