Ngày 23.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại đức Thích Minh Đức - đại diện Chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Lễ cầu an sẽ được nhà chùa tổ chức trực tuyến vào 20h ngày 14 tháng Giêng (âm lịch). Quý Phật tử có thể theo dõi qua trang facebook Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội".
Vị đại đức cũng cho biết hiện tại nhà chùa đã tạm đóng cửa để phòng dịch COVID-19 theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.
"Chúng tôi đã dừng không nhận sớ cầu an nữa. Nhà chùa đã có thông báo dán ngoài cổng để Phật tử biết lịch cầu an trực tuyến và thời điểm đó nhất tâm hướng về chùa thôi" - đại đức Thích Minh Đức thông tin.
Đại diện Chùa Phúc Khánh cho biết, hoạt động cầu an năm nay nhà chùa không thu phí và người dân tùy tâm công đức.
Theo nội dung thông báo của Chùa Phúc Khánh, vào tối ngày 25.2, tức 14 tháng Giêng (âm lịch), sớ cầu an của các gia đình sẽ được nhà chùa dâng lên chính điện. Sau ngày này, các phật tử đến lễ tạ và nhận lộc như đã đăng ký.
Trước đó, ngày 8.2, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức các lễ cầu nguyện quốc thái dân an trong dịp Tết cổ truyền Xuân Tân Sửu.
Theo đó, Tết cổ truyền dân tộc năm nay diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành phố. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị toàn thể tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện Tết 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) để cầu nguyện Quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại sự bình an, may mắn cho mọi người, mọi nhà, cho toàn xã hội trong năm mới Tân Sửu.
Các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni thực hiện chia nhỏ các khóa lễ cầu an làm nhiều buổi, không tập trung đông người. Không tổ chức đông tín đồ hành hương tới nhiều địa phương, nhất là các địa điểm nằm trong vùng dịch. Các khóa lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo.
Khuyến khích tăng ni, Phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến online phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội.