Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin về việc cá nuôi trong lồng bè của người dân trên sông Cầu, đoạn qua xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong) bị chết, đã giao cho Chi Cục Thuỷ lợi đi kiểm tra.
"Kết quả quan trắc cho thấy hàm lượng oxy trong nước tại các lồng bè cá quá thấp là nguyên nhân khiến cá chết", ông Nguyễn Hồng Quang cho hay.
Ông Quang cho biết thêm, cách đây 2 năm, tại khu vực này cũng xảy ra tình trạng cá nuôi bị chết do thời tiết thay đổi, mật độ oxy trong nước thấp.
Tuy vậy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho rằng, để có thể kết luận cá chết là do nguồn nước ô nhiễm thì chưa đủ căn cứ, do thiếu kinh phí để đánh giá.
Cùng trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Ngô Quang Thu, chủ tịch UBND xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết, trong tháng vừa qua, chưa nhận được thông tin phản ánh từ phía người dân về tình trạng cá nuôi bị chết.
Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt cho biết thêm, cách đây 2 năm, sau khi xảy ra tình trạng cá nuôi trong lồng bè chết hàng loạt tại khu vực trên, địa phương đã yêu cầu các hộ dừng không nuôi lồng cá tại khu vực trên, đồng thời làm báo cáo quy hoạch để khoanh vùng nuôi.
Hiện, chỉ còn một số hộ vẫn duy trì nuôi cá tại khu vực này so với con số hơn 30 hộ trước đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các hộ nuôi các lồng tại khu vực sông Cầu qua xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong) trước khi có Luật Thuỷ sản 2018.
Khi Luật Thuỷ sản có hiệu lực thì quy định các hộ phải được cấp giấy chứng nhận nuôi trồng thuỷ sản. Tuy vậy, do đây cũng là kế sinh nhai của người dân nên cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động để người dân thực hiện đúng Luật Thuỷ sản.
Trước đó, Báo Lao Động có bài phản ánh, những ngày cuối tháng 4.2023, dòng nước thải đen xì, bốc mùi hôi thối qua cống tiêu Vạn Phúc (phường Vạn An, TP Bắc Ninh) lại chảy thẳng ra sông Cầu. Lượng nước xả ra mạnh hơn, nhiều hơn vào ban đêm.
Việc nước thải chưa qua xử lý chảy ra sông Cầu khiến cuộc sống của các hộ dân ven sông trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị ảnh hưởng nặng nề.
Đặc biệt, cách khu vực xả thải khoảng 10 km, tại xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh), bè cá của một số hộ dân chuẩn bị đến ngày thu hoạch bỗng dưng bị chết khoảng 5 tấn, gây thiệt hại khoảng 250 triệu đồng.
Theo người dân, không chỉ cá nuôi trên mà cá tự nhiên ở sông cũng chết do nguồn nước bị ô nhiễm bởi hoạt động xả thải không qua xử lý.