“Vợ chồng Bí thư - Trưởng bản”
Khi hỏi thăm đến nhà trưởng bản, người dân chỉ đến ngôi nhà này, hỏi nhà Bí thư Chi bộ bản cũng được người dân chỉ đến ngôi nhà đó. Lý do rất thuyết phục là trong ngôi nhà đó người chồng làm trưởng bản, còn vợ làm Bí thư chi bộ! Có lẽ đây là trường hợp đặc biệt và cũng rất hiếm xảy ra vì tại bản Pa Ít thì “vợ chồng Bí thư - Trưởng bản” là những người có học vấn cao nhất bản. Theo đó thì anh Trưởng bản Khoàng Văn Thắng có trình độ học hết cấp 2 còn Bí thư Lù Thị Xuân thì có bằng cử nhân chuyên ngành sư phạm mầm non.
Theo Trưởng bản Khoàng Văn Thắng, bản Pa Ít có 57 hộ với 316 nhân khẩu và 100% là người Khơ Mú, hầu hết là hộ nghèo. Đến nay Pa Ít vẫn chưa có đường ôtô vào bản mà chỉ có đường mòn, việc đi lại rất khó khăn vất vả. Từ bản muốn ra trung tâm xã phải mất hơn 2 giờ đồng hồ trên đoạn đường chưa đầy 20km, vào mùa mưa thì bản bị cô lập hoàn toàn.
“Cũng may là từ khi Thủy điện Long Tạo đi vào hoạt động, nước suối Nậm Mức dâng, người dân chủ yếu đi lại bằng đường thủy thuận tiện, rút ngắn được thời gian ra trung tâm xã chỉ còn gần 1 giờ đồng hồ” - Trưởng bản Pa Ít chia sẻ.
Cô giáo của bản
Từ nhà trưởng bản, chúng tôi đến thăm Điểm trường Tiểu học Pa Ít - nơi có cô giáo Tòng Thị Liên - người đã có trên 10 năm công tác gắn bó với bản vùng cao này. Theo cô giáo cắm bản Tòng Thị Liên, so với cách đây hơn chục năm thì đời sống người dân đã khá hơn nhiều.
“Trước kia 100% ngôi nhà trong bản đều tạm bợ, tranh tre dột nát; người dân chủ yếu ăn cơm độn sắn và mỗi năm có từ 3 - 4 tháng thiếu đói. Bà con không quan tâm đến việc ăn mặc, học hành của con cái, nhiều đứa trẻ 5 - 6 tuổi vẫn trần truồng, đầu tóc cả năm không biết đến dầu gội” - cô Liên kể lại.
Với hơn 10 năm gắn bó với nơi này, cô Liên từng chứng kiến nhiều hình ảnh rất buồn của Pa Ít như, học sinh đến lớp không sách, không vở, không bút và người lấm lem bùn đất. Cùng với việc dạy học, cô giáo cũng đồng thời làm mẹ, phải tắm gội, cắt tóc và giặt quần áo cho các con...
Đến nay thì khác, nhận thức của người dân đã thay đổi, quan tâm đến việc học hành của con cái hơn; bắt đầu chăn nuôi, trồng rau, tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống. “Thấy cô giáo trồng rau xanh tốt, nhiều người trong bản đã đến hỏi: Cô giáo trồng rau kiểu gì mà tốt thế? Mình lại hướng dẫn bà con cách làm đất, đánh luống; bảo họ phải tưới nước, bón phân thường xuyên để rau xanh tốt” - Cô Liên cho biết thêm.
Pa Ít hy vọng những đổi thay
Theo Trưởng bản Khoàng Văn Thắng, những năm gần đây, đời sống của người dân trong bản đang dần thay đổi tích cực. Trong bản đã có điểm trường mầm non, tiểu học; người dân đã học được cách chăn nuôi, thay đổi tập quán canh tác. Hiện nay, cả bản có trên 40 con trâu, 20 con lợn, trên 200 con gia cầm. Ngoài hơn 20ha lúa nương, người dân đã tăng diện tích trồng sắn lên trên 15ha. Một số hộ đã làm được nhà sàn khang trang, chủ động lắp điện năng lượng mặt trời, điện nước để nâng cao đời sống.
Còn theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Huổi Mí - Mùa A Lù, thì Pa Ít vẫn là bản nghèo nhất, xa xôi nhất của xã. Nhiều năm liền Pa Ít giữ vị trí dẫn đầu về số người nhiễm HIV/AIDS. Cao điểm nhất là năm 2012, phát hiện 10 cặp vợ chồng nhiễm HIV/AIDS.
Những năm qua cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng cũng dành nhiều thời gian, công sức để nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nhờ đó, đến nay tỉ lệ người nghiện, người nhiễm HIV đã được kiểm soát, không có các ca phát sinh mới. Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Huổi Mí, do đặc biệt khó khăn nên bản Pa Ít luôn nhận được sự quan tâm của các cấp và nhiều tổ chức, đoàn thể.