Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã thẳng thắn nêu các câu hỏi chất vấn đối với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình và thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đối với nhóm vấn đề về công tác PCCC, các đại biểu đã nêu các câu hỏi liên quan đến việc chấp hành các quy định về PCCC của các cơ sở kinh doanh dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; việc triển khai, áp dụng các quy định của pháp luật trong công tác PCCC; việc kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở vi phạm; công tác hướng dẫn, triển khai các biện pháp PCCC tại trụ sở cơ quan Nhà nước...
Tại phiên chất vấn, Đại tá Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình đã trả lời các câu hỏi của đại biểu về thực trạng PCCC tại các cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh ninh Bình có 209 cơ sở, trong đó có 208 cơ sở karaoke và 1 vũ trường. Qua kiểm tra có 193 cơ sở xin tạm dừng hoạt động để sửa chữa, 16 cơ sở xin dừng hoạt động do không đảm bảo các yêu cầu về PCCC.
Công an tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở karaoke và vũ trường. Đồng thời tổ chức các hội nghị hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở karaoke...
Cũng tại phiên chất vấn, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo UBND thành phố Ninh Bình cũng đã tham ra trả lời trực tiếp các câu hỏi của đại biểu nêu liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến vấn để thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các đại biểu đã nêu các câu hỏi liên quan đến các nội dung như: quy định về mức giá thu gom vận, vận chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; ngân sách hỗ trợ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; việc vận hành, hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải rắn trên địa bàn thành phố Tam Điệp...
Đối với nhóm vấn đề này, ông Lê Hùng Thắng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã trực tiếp trả lời về những nội dụng mà đại biểu nêu.
Theo đó, cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, gây áp lực lên môi trường sống ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, các công trình xử lý rác thải đồng bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và là nhu cầu thiết yếu để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.
Để giải quyết vấn đề này, hàng năm ngân sách tỉnh Ninh Bình đã chi hàng trăm tỉ đồng tiền ngân sách để hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85% và xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ và chấm dứt xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ trước năm 2025...