Ngày 14.3, trong buổi lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma được tổ chức ở Đà Nẵng, nhiều cựu binh Trường Sa đã đến thắp hương, thăm hỏi gia đình các liệt sĩ. Và, câu chuyện ra với Trường Sa lại được họ nhắc đến như một tâm nguyện lớn trong đời.
Nếu ước mong của những người cha, người mẹ khi được đến Trường Sa là thăm lại nơi con mình đã hy sinh thì với những cựu binh, họ muốn được gửi một nhành hoa đến những người anh em, đồng đội.
Ông Nguyễn Văn Bình – cựu binh Trường Sa, đang trú ở Hoà Cường Bắc, TP. Đà Nẵng kể, ông ra Trường Sa cùng đợt với 64 liệt sĩ nhưng được điều động đi đảo Đá Nam, sau đó là Song Tử, Len Đao làm nhiệm vụ. Đến năm 1990, ông ra quân để về lo kinh tế cho gia đình.
“Kể từ đó, nhiều anh em chúng tôi không còn cơ hội ra lại Trường Sa. Tôi muốn quay lại để xem những mái nhà ngày xưa mình dựng lên bây giờ thế nào rồi, cơ sở tại đảo phát triển ra sao. Rồi nếu được, tôi sẽ gửi một cành hoa ở lại mặt biển cho đồng đội.
31 năm qua, giỗ chung có, giỗ riêng có. Từ bức di ảnh đến ngôi mộ gió cho các anh đều là sự nỗ lực, có khi là chắp nối của những người ở lại. Còn trong tâm của mỗi người chúng tôi vẫn muốn đến Trường Sa, dành những phút mặc niệm, thắp một nén nhang và thả vòng hoa cho đồng đội. Tôi đã nghĩ về giây phút đó rất nhiều và luôn mong ngóng cơ hội được hoàn thành tâm nguyện” – ông Bình trầm ngâm.
Đó cũng là mong muốn của nhiều cựu binh Trường Sa mà ông Nguyễn Văn Tấn – Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa (1984 – 1988) tại TP. Đà Nẵng cho hay. Nhiều năm qua, ông và các thành viên trong ban liên lạc luôn mong chờ một cơ hội ra với Trường Sa.
“Được đi nhiều người thì tốt quá, mà đại diện một vài người cũng được. Bởi, Trường Sa là nơi chúng tôi đã từng làm nhiệm vụ. Đó cũng là nơi các liệt sĩ ngã xuống vì Tổ quốc. Tôi mong lắm một lần được trở lại.
Đến đó rồi, tôi sẽ tâm sự với anh em đồng đội đôi lời về chuyện từng gia đình. Làm vậy, tôi mới thấy yên lòng mình và nhiều người ở lại” – ông Tấn chia sẻ.