Mỗi lần đi qua đường Nguyễn Chí Thanh, chị Nguyễn Thuý Hiền (20 tuổi, sinh viên năm 2, Học viện Hành chính Quốc gia) lại phải luồn lách, tránh né những quán hàng rong, xe cộ đi trên vỉa hè.
Chị Hiền cho biết, vỉa hè được TP Hà Nội lát lại để phục vụ cho người đi bộ, tuy nhiên hiện nay vỉa hè đang bị lấn chiếm một cách ngang nhiên, nếu không phải hàng quán dựng bàn ghế la liệt, thì cũng là xe máy, ôtô dừng, đỗ sai quy định.
"Mỗi sáng đi qua đây, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những quán xôi, bánh mì lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh; đặc biệt là vào giờ cao điểm, vỉa hè cho người đi bộ sẽ trở thành đường đi của xe máy.
Tôi mong lực lượng chức năng sẽ xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp xe máy lao lên vỉa hè, vì cứ như thế này chỉ vài năm nữa vỉa hè sẽ lại "nát" như trước đây", chị Hiền bức xúc nói.
Cách đó 1 km, trên phố Giảng Võ đã xuất hiện tình trạng đá vỉa hè bị nứt vỡ, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị sụt lún sâu so với mặt vỉa hè. Cả Nguyễn Chí Thanh và Giảng Võ đều là 2 tuyến phố được lát đá vỉa hè năm 2022.
Ông Trần Thanh Minh (48 tuổi, Chợ Dừa, Đống Đa) cho biết, vỉa hè phố Giảng Võ giờ nứt vỡ, bong tróc gần như cả phố, trời nắng còn đỡ, hôm nào trời mưa thì rất bẩn.
"Vỉa hè tại đây vừa được lát nhưng đã xuất hiện tình trạng sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hôm mưa nước sẽ đọng vào vỉa hè, nếu không để ý tôi sẽ ngã như chơi", ông Minh nói.
Cũng theo ghi nhận của Lao Động ngày 20.4, tại một số tuyến đường vừa mới được lát đá vỉa hè như Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Láng Hạ (quận Đống Đa), Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy),... cũng đã xuất hiện tình trạng nứt, vỡ, bong tróc sau một thời gian được lát đá.
Tại đường Nguyễn Trãi, đá lát vỉa hè đã bị nứt, vỡ nhiều mảng khiến người đi bộ cực kì khó khăn mới có thể di chuyển qua đoạn vỉa hè trồi sụt này.
Đặc biệt, tình trạng ôtô, xe máy ngang nhiên dừng đỗ, di chuyển trên vỉa hè thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của đá lát vỉa hè.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo nguyên nhân đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ.
Theo đó, nguyên nhân đầu tiên được sở chỉ ra là việc khảo sát, thiết kế các dự án lát đá chưa đầy đủ thông tin như số lượng, vị trí công trình ngầm, các khớp nối hạ tầng kỹ thuật, nơi quy hoạch bãi đỗ xe, số liệu địa chất, hiện trạng sử dụng vỉa hè.
Nguyên nhân thứ hai là do công tác khảo sát, đánh giá nguồn cung cấp vật liệu đá tự nhiên tại một số dự án chưa đầy đủ để có cơ sở lựa chọn chủng loại yêu cầu kỹ thuật phù hợp, đảm bảo các tiêu chí theo thiết kế.
"Đồng thời, quy trình, kỹ thuật thi công các lớp kết cấu vỉa hè tại một số dự án cũng bị đánh giá là chưa đúng; không có giải pháp kết nối xử lý một số đường ống thoát nước của cơ quan, hộ dân xung quanh", báo cáo Sở Xây dựng nêu.
Cuối cùng, sở đánh giá, quá trình duy tu bảo dưỡng sau đầu tư một số vỉa hè không tốt, có nơi sử dụng không đúng công năng.
Kết cấu hè phố được thiết kế chỉ áp dụng cho người đi bộ, xe thô sơ, nhưng thực tế lại thành nơi dừng đỗ của ôtô hoặc làm vị trí lên xuống của nhiều phương tiện tải trọng lớn.