Phụ huynh góp gạo, rau củ giúp các em
Nghị định 116 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn đã góp phần tích cực trong việc duy trì sĩ số cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông ở vùng sâu. Tuy nhiên, bước vào năm học mới 2021-2022 này, nhiều xã sau khi được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới, thì rất nhiều học sinh không còn được thụ hưởng chính sách này.
Năm học 2021-2022, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có đến 920 em học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú, tập trung chủ yếu ở xã Măng Cành, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen.
Tại các địa phương này, có 3 trường Mầm non và 3 trường Tiểu học và THCS, các em học sinh không được hưởng chế độ ăn trưa. Việc cắt chế độ bán trú có nguyên nhân là do các xã đã đạt chỉ tiêu nông thôn mới, thị trấn Măng Đen lên đô thị loại 5.
Tuy nhiên, thực tế đời sống người dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu đất sản xuất, không có việc làm. Lo ngại các em bỏ học giữa chừng, ngành Giáo dục huyện Kon Plông đã vận động phụ huynh học sinh quyên góp gạo, tiền, tùy theo điều kiện tự có của mỗi gia đình để nâng bước các em đến trường.
Đến tháng 9.2021, các phụ huynh ở Kon Plông đã quyên góp hơn 10 triệu đồng, 1 tấn gạo, trên 1.000kg rau củ quả cho các em với mong muốn con em mình cải thiện bữa ăn, ở lại nghỉ ngơi có sức đến trường. Nhờ sự quyên góp này, các nhà trường đã đưa trên 300 em học sinh trở lại thực hiện chế độ bán trú.
Còn tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, theo thống kê năm học mới 2021-2022, toàn huyện có đến 558 học sinh các trường bán trú không còn nhận gạo hỗ trợ.
Ông Phan Danh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Krong, huyện Kbang cho biết: “Điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với các trường phổ thông trên địa bàn trong việc duy trì sĩ số. Bởi thực tế, mức sống và điều kiện của người dân ở các thôn làng vẫn chưa được nâng cao, cải thiện, việc chi trả tiền ăn uống, học tập trở nên quá sức đối với họ. Nhà trường rất lo các em bỏ học giữa chừng”.
Kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ
Theo thầy Danh, năm nào cũng vậy, các thầy cô giáo phải lội bộ vào từng bản làng, thôn buôn ở sâu trong núi rừng Kbang để vận động các em học sinh trở lại lớp. Việc các em bị cắt chế độ, thầy cô giáo lo lắng sẽ khiến các em bỏ học. Như vậy, nỗ lực cố gắng của các thầy cô “gieo” chữ cho các em trong nhiều năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển. Do địa bàn giữa rừng núi, đường đến trường xa xôi, nhiều em học sinh muốn bỏ học để lên nương rẫy phụ cha mẹ mưu sinh.
Năm học mới này, nhiều thầy cô dựa vào mối quan hệ quen biết đi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ vật chất, sách giáo khoa cho các em, để các em được đến trường như bao đứa trẻ khác. Việc san sẻ lương thực này không ảnh hưởng nhiều đến các em học sinh khác, nhưng về lâu dài cần một nguồn kinh phí, tài chính ổn định để hỗ trợ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai - cho biết: “Toàn huyện Kbang ngắt khoảng 22% số học sinh có chế độ bán trú ở 6 trường học. Tuy nhiên, đơn vị sẽ cho rà soát lại cụ thể từng trường, từng xã.
Theo quy định, nhiều xã đạt tiêu chí Nông thôn mới thì học sinh xã đó sẽ không được hưởng chế độ theo Nghị định 116, nhưng nếu thôn vẫn còn nằm ở vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn) thì học sinh sẽ nhận được hỗ trợ”.
Theo ông Định, đơn vị đang gửi công văn lên Sở Tài chính để xin nguồn kinh phí hỗ trợ các em học sinh, đồng thời vận động các mạnh thường quân để giúp các em có thêm gạo, mì tôm, tiền sinh hoạt giúp các em thuận lợi đến trường theo học con chữ.