Giúp lao động nữ nơi đất khách quê người

THẨM HỒNG THỤY |

Trong suốt hơn 25 năm làm việc tại Báo Lao Động, hai chuyến tác nghiệp mang đậm dấu ấn của một phóng viên Báo Lao Động bảo vệ quyền lợi cho người lao động là tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 2005 và Malaysia năm 2012. Những người tôi đi tìm và viết về họ đều là lao động nữ.

Góp phần đưa cha con nhà họ Hồng ra trước vành móng ngựa

Một buổi trưa tháng 4.2005, từ lớp học về tôi ghé căntin trong khuôn viên Trường Đại học Trung Sơn (thành phố Cao Hùng, Đài Loan). Theo thói quen tôi vừa ăn vừa dán mắt lên màn hình tivi. Chợt giật mình, tin tức nóng nhất trên kênh truyền hình buổi trưa hôm đó chính là thông tin gần 20 nữ lao động Việt Nam bị cha con nhà họ Hồng ở Đài Nam (Đài Loan) cưỡng bức. Hình ảnh những nữ lao động Việt Nam lướt qua trên tivi với dáng vẻ khổ sở và tội nghiệp, gương mặt được che khuất bởi những chiếc nón. Một cảm giác xót xa. Tôi trở về phòng và ngay lập tức liên lạc với tòa soạn. Buổi chiều, tôi chủ động không đến lớp để dành thời gian dịch vội các bài báo có thông tin liên quan vụ hãm hiếp đồng thời liên lạc với các nơi để sắp xếp cuộc hẹn trao đổi, phỏng vấn...

Đó là lần đầu tiên tôi chân ướt chân ráo đến xứ Đài, nơi mà khi ấy đã có hơn 100.000 người Việt là lao động xuất khẩu và cô dâu. Nhờ bà Chủ tịch Hiệp hội Lao động Quốc tế Đài Loan chỉ dẫn, tôi đã bắt tiếp xe buýt từ ga tàu Đài Bắc để đến văn phòng của bà. Bà Chủ tịch cởi mở, và cho biết đang theo dõi rất sát sao vụ việc. Bà lên tiếng kêu gọi các cơ quan chức năng tại Đài Loan nhanh chóng điều tra làm rõ sự việc và xử lý nghiêm cha con nhà họ Hồng, đồng thời kêu gọi các tổ chức hỗ trợ những nữ lao động Việt là nạn nhân.

Sau cuộc phỏng vấn, tôi bắt taxi đến văn phòng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Bắc trên đường Tùng Giang thuộc quận Trung Sơn. Thông qua sự giới thiệu của ban quản lý, tôi lại phỏng vấn tiếp vị đại diện của Cục Quản lý Lao động nước ngoài tại Đài Loan và Trưởng Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc. Một chuyên đề kín một trang Báo Lao Động khổ to đã được ấn bản vào ngày hôm sau với các bài phỏng vấn, ý kiến, phản ánh thực trạng liên quan tới vụ việc... Hơn một năm sau khi tôi kết thúc khóa học tại Đài Loan và về nước, cha con nhà họ Hồng đã phải ra trước vành móng ngựa và lãnh án tù.

Tìm và giúp những nữ lao động bị “xù” lương

Tháng 3.2012, báo The Star của Malaysia đưa tin về trường hợp 42 nữ lao động Việt Nam bị “mắc kẹt” tại Penang (Malaysia). Những lao động này sang Malaysia làm việc, tuy nhiên họ đã bị Cty môi giới tại đây lừa. Khi visa của họ hết hạn, họ bị Cty môi giới dồn về ở trong một khu nhà hai tầng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và bỏ mặc, ăn uống đói khát và tiền lương bị nợ... Sau khi báo The Star phanh phui vụ việc, cảnh sát đã vào cuộc.

Trong lúc điều tra làm rõ sự vụ, các nữ lao động bị cơ quan chức năng Malaysia câu lưu và cách ly hạn chế cho tiếp xúc tại một trung tâm ở Kuala Lumpur. Trong khi đó, một nhóm nữ lao động liên quan khác lại được tạm thu dung ở Penang. Tuy nhiên các kênh thông tin chính thức tại Malaysia đều không cho tôi biết những nữ lao động đó đang ở đâu vì không muốn tôi đến tiếp xúc.

Trong chuyến công tác này, tôi được lệnh phải tìm cho ra và gặp bằng được những nữ lao động. Chính vì thế tôi phải “ăn dầm nằm dề” ở Malaysia đến 17 ngày, phải liên tục di chuyển đi - về giữa Kuala Lumpur và Penang cách nhau 1 giờ bay hoặc 5 giờ đi xe đò.

Chuyến đầu tiên từ Kuala Lumpur đến Penang, tôi được hai vợ chồng một người dân địa phương cho đi nhờ ôtô đến thẳng tòa soạn của nhật báo Tinh Châu phiên bản tiếng Hoa. Phóng viên Eng Nean Yeoh là người được phái đi cùng tôi trong suốt buổi chiều. Hai chúng tôi lần lại các địa chỉ như khu nhà hai tầng mà lao động nữ Việt Nam bị Cty môi giới cấm túc, hỏi thông tin từ bà hàng xóm, sau đó đến Bệnh viện Đa khoa Penang nơi các lao động nữ Việt Nam từng làm việc để tìm hiểu thông tin. Phóng viên Eng nhiệt tình còn hẹn giúp tôi với một vị nghị sĩ bang Penang để tôi phỏng vấn...

Kết thúc một ngày vất vả nơi xứ người, tôi về khách sạn viết bài gửi về tòa soạn trong khi Eng Nean Yeoh thì thổ lộ: “Tôi sẽ viết một phóng sự về chuyến công tác đến Penang của anh”. Tôi cứ ngỡ anh nói đùa nhưng không ngờ một, hai ngày sau đó khi tôi đã quay trở lại Kuala Lumpur, anh gửi cho tôi hình ảnh “paper cut” qua email với một cover story chính là chuyến tác nghiệp tại Penang của tôi với nhan đề “Phóng viên Việt Nam đến Penang tìm hiểu sự thật”.

Khi các kênh thông tin chính thức tại Kuala Lumpur gần như đóng kín, tôi bắt đầu mở rộng mạng lưới tìm kiếm thông tin từ các cá nhân, Cty môi giới lao động Việt Nam và Malaysia. Qua các nguồn tin không chính thức, tôi được cho biết sẽ có một cuộc họp giữa các cơ quan chức năng với Cty môi giới tại Penang và sau cuộc họp này sẽ giải quyết nợ lương cho các nữ lao động. Thế là tôi quyết định trở lại Penang. Nhưng để xác định được nơi diễn ra cuộc họp không hề dễ dàng.

Tôi nhờ Eng Nean Yeoh check thông tin từ các cơ quan quản lý lao động tại địa phương nhưng anh cũng bó tay. Đêm ngày 29.3, tôi rơi vào tâm trạng bế tắc dù đã tìm kiếm mọi cách cũng không ra được địa điểm diễn ra cuộc họp. 10 giờ sáng hôm sau, ngày 30.3, Eng đến và cùng tôi đi tới tòa nhà hành chính bang Penang cao 68 tầng. Nhưng cuối cùng suốt gần hai giờ đồng hồ cũng không có thêm thông tin gì xác thực. Trước khi chia tay vì có việc khác, Eng lấy bản đồ tôi cầm trên tay và ghi địa chỉ Sở Lao động Penang và bảo tôi cứ đến đó hỏi xem.

Nắng tháng 3 ở Malaysia thật khủng khiếp. Tôi đi loại xe buýt miễn phí cùng với cuốc bộ gần cả cây số để đến được tòa nhà trú đóng của Sở Lao động Penang. Vị nữ trưởng phòng tiếp tôi sau khi nghe trình bày thì cho biết: “Tôi không có thông tin chính thức gì về cuộc họp này chiều nay. Nhưng tại sao tôi phải cung cấp thông tin cho anh?”. Tôi đành phải nói rằng “nếu tôi có được thông tin từ những nguồn khác thì đã không đến đây làm phiền cô” và cho cô xem thẻ nhà báo song ngữ Việt - Anh.

Cô nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân rồi bảo tôi đưa cho cô tờ bản đồ. Cô ghi lên tờ bản đồ tên một khu vực xa lạ và tên một khu văn phòng: “Anh có thể tới đó biết đâu có thể tìm thấy những gì anh cần. Nhưng xa đấy, anh phải đi xe buýt và còn qua phà nữa. Nhớ là không có tên tôi xuất hiện trong câu chuyện của anh đấy nhé”. Tôi cảm ơn cô và chạy vội đi vì khi ấy đã khoảng 12 giờ 30 trong khi 2 giờ chiều là cuộc họp kia diễn ra. Trên đường đi bộ ra bến phà tôi ghé cửa hàng tiện lợi mua nước và bánh khô ăn tạm.

Trên chuyến phà, tôi làm quen với một cô sinh viên. Cô cho biết đã một lần đến TPHCM du lịch và rất muốn sau khi ra trường được qua Việt Nam làm việc. Thế là, nhờ cô chỉ dẫn tôi đã dần rõ hơn cái tòa nhà sẽ diễn ra cuộc họp. Qua phà xong lại đến xe buýt, sau đó lại cuốc bộ khoảng vài trăm mét thì tôi đến được tòa nhà cần tìm.

Cuộc họp diễn ra ở hội trường tầng 6 nhưng khi tôi đến 1 giờ 45 chiều vẫn chưa thấy có ai. Rảo một vòng qua tôi chợt thấy một người đàn ông tóc bạc đang ngồi cầu nguyện trong một căn phòng tối. Mười phút sau quay lại hội trường thì tôi nhận ra chính ông đang ngồi ở ghế chủ tọa. Tôi bước vào hội trường và giới thiệu với ông tôi là phóng viên Báo Lao Động từ Việt Nam sang muốn tham dự cuộc họp. Ông nghe và trợn tròn mắt ngạc nhiên rồi vui vẻ chấp nhận.

Sau đó, tôi được biết ông là Cục trưởng Cục Quản lý lao động Malaysia. Thế là, tôi đã tìm gặp được những nữ lao động, ghi nhận việc họ được trả lương, hỏi được thêm nhiều câu chuyện liên quan tới họ. Những câu chuyện với rất nhiều ẩn khuất mà nếu tôi không gặp được họ có lẽ sẽ chẳng bao giờ được đề cập đến.

Chiều về, tôi lại cuốc bộ vài trăm mét ra trạm xe buýt. Một chị người địa phương thấy tôi loay hoay không có tiền xu đã cho tôi 1 đồng ringgit để lên xe buýt. Tôi về khách sạn sau khi hoàn thành tin bài thì Eng gọi. Hai anh em kéo ra quán bia. Anh cụng chai với tôi “Chúc mừng!”. Đêm hôm trước đó tôi đã bế tắc thông tin như thế nào thì tối hôm ngồi uống bia với Eng tôi càng cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc biết bao nhiêu.

Cả hai chuyến đi tác nghiệp ở nước ngoài, hầu như độc hành. Nhiều khi không tránh được cảm thấy cô đơn và buồn chán vì không có sẵn các mối quan hệ hỗ trợ. Những khi đó, nếu tôi chỉ thiếu một chút kiên trì và bền bỉ thôi cũng có thể để vuột mất những sự thật đang bị ẩn giấu.

THẨM HỒNG THỤY
TIN LIÊN QUAN

Công nhân, xe ôm công nghệ than khó thở do ô nhiễm không khí

CAO THƠM - HOÀNG XUYẾN |

Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí nên những người thường xuyên di chuyển ngoài đường phải đối diện với tình trạng không khí kém chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe.

Drone va đường dây 110kV, khoảng 76.000 khách hàng mất điện

Đạt Phan |

Long An - Một máy bay phun thuốc va vào đường dây 110kV làm gián đoạn cung cấp điện khoảng 76.000 khách hàng tại 5 huyện, thị xã.

Làm thơ đăng Facebook bị đánh: Bài thơ mang tính trào phúng

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Liên quan đến vụ người đàn ông bị đánh vì đăng thơ lên Facebook, chính quyền địa phương đã có những thông tin cụ thể về sự việc.

Giá điện tăng, doanh nghiệp lo chi phí sản xuất tăng theo

Anh Tuấn |

Việc EVN điều chỉnh giá điện tăng thêm 4,8% kể từ ngày 11.10 đang tạo ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất.

Bán được hơn 62.000 vé tàu Tết 2025, còn nhiều vé các ngày

Huyền Trân |

TPHCM - Sau 2 tuần mở bán vé tàu Tết Ất Tỵ 2025, đến nay đã bán được hơn 62.000 vé. Hiện vẫn còn nhiều vé tàu đi trong dịp Tết.

Thị trường viễn thông trước thời điểm tắt sóng 2G

KHÁNH AN |

Chỉ còn một ngày nữa mạng 2G sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Các nhà mạng cho biết sẽ chặn thiết bị sau ngày 15.10 nhưng bảo lưu tài khoản để khách hàng có thời gian chuyển đổi.

Nhiều người ủng hộ bốc thăm môn thứ 3 thi lớp 10

Nhóm PV |

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT là phù hợp, giúp cho việc học đồng đều trở nên tốt hơn.

Quốc Oai đấu giá đất đến gần sáng, cao nhất 54 triệu đồng/m2

Như Hạ |

Vào lúc 1h30 sáng nay 14.10, kết thúc phiên đấu giá 54 thửa đất tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Thửa đất có giá trúng cao nhất là 54.480.000 đồng/m2.