Nổ mìn bụi trắng xóa một vùng dân cư
Mỏ đá vôi Áng Quan của Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010. Giữa năm 2020, Công ty hợp đồng với Công ty CP thiết bị nặng JUNJIN Việt Nam là đối tác khai thác đá. Theo đó, đơn vị được phép nổ mìn khai thác đá vào hai khung giờ trong ngày là từ 11-12h và 17-18h. Quy định là vậy nhưng không hiểu vì lý do gì, nhiều hôm, công ty vẫn bất ngờ tiến hành nổ mìn sớm hơn làm nhiều người không khỏi giật mình lo lắng, hốt hoảng.
Mới đây nhất, chiều 12.9, công ty đã tiến hành nổ mìn khiến lượng bụi dày đặc phủ trắng cả khu vực. Nhiều nhà đã phải giặt lại quần áo do không kịp chuẩn bị. Năm 2021 cũng có một vụ nổ mìn tương tự được người dân quay lại và báo cáo chính quyền địa phương.
Cung cấp thêm thông tin cho phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng thôn Khe Khoai cho biết, mỏ đá gần như ngày nào cũng nổ mìn 2 lần. Những hôm nổ sớm hơn khung giờ quy định là khi mìn đã cho vào lỗ khoan, trời lại sắp mưa phải nổ sớm để tránh mưa. Ngoài ô nhiễm về bụi, nhiều nhà trong thôn còn bị nứt. "Chúng tôi đề nghị công ty tổ chức nổ mìn phải tuân thủ tần suất được phép, tăng cường hệ thống phun tưới dập bụi để đảm bảo môi trường khu dân cư" - ông Thông nói.
Đau đầu nhức óc bởi tiếng ồn
Không chỉ mỏi mệt vì bụi, nhiều gia đình gần băng chuyền vận tải đá vôi từ mỏ khai thác Áng Quan đến nhà máy xi măng (Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long) còn bức xúc khi bị “tra tấn” bởi tiếng ồn.
Nhà sát băng tải, bà P.T.T, người dân thôn Khe Khoai cho hay: "Công ty cũng bồi thường tổn hao sức khỏe do ảnh hưởng của tiếng ồn cho gia đình mỗi khẩu 800.000 đồng/năm nhưng không có nghĩa chúng tôi phải im lặng để bị “tra tấn” hàng ngày. Chạy suốt từ 6h đến 11h, nghỉ trưa một hai tiếng, sau đó lại chạy liên tục từ 13-19h. Tiếng băng tải, lạo xạo đá văng, kỳ kẹt của khung sắt rất đau đầu.
Chúng tôi đã kiến nghị Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long nhiều lần, nhưng không hiểu sao cán bộ đến quan trắc kiểm tra lần nào cũng khẳng định tiếng ồn trong phạm vi an toàn cho phép. Đi làm về ai cũng mong muốn được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, tuy nhiên tiếng ồn và bụi tra tấn suốt như thế này thì làm sao chúng tôi đảm bảo sức khỏe để bám trụ công việc lâu dài. Nói thật, mấy hôm nay băng chuyền tải dừng hoạt động sửa chữa rất khoan khoái đầu óc, chứ thường ngày bị tiếng ồn tra tấn sinh ra cáu gắt bực bội, chỉ muốn cãi nhau.
Một vị lãnh đạo điều hành mỏ đá Áng Quang, Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long cho biết: "Chúng tôi đã nhận được thông tin vụ việc khi người dân quay lại đăng tải trên mạng xã hội việc nổ mìn khai thác đá ngày 12.9 vừa qua. Qua kiểm tra thì thấy sự việc nổ mìn hôm đó có lượng bụi dày đặc hơn mọi khi là do phun nước dập bụi không triệt để. Chúng tôi đã ra văn bản nhắc nhở Công ty CP thiết bị nặng JUNJIN Việt Nam về việc này. Hàng quý, công ty vẫn tổ chức quan trắc môi trường nước, không khí, âm thanh, độ ồn để báo cáo Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh. Tất cả các chỉ số đều trong giới hạn cho phép.
Qua rà soát, thôn Khe Khoai có hơn 280 hộ dân thì có hơn 200 hộ bị ảnh hưởng của việc khai thác đá. Tuy nhiên, tất cả những trường hợp bị ảnh hưởng đều được công ty hỗ trợ hỗ trợ hàng năm như: Hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế, hỗ trợ ô nhiễm tiếng ồn theo khẩu, hỗ trợ nước sạch, hỗ trợ cây cối hoa màu, hỗ trợ công trình nhà ở kiến trúc khi bị ảnh hưởng, vị lãnh đạo điều hành mỏ này cho biết thêm.
Còn ông Phạm Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, TP Hạ Long cho biết, ảnh hưởng của mỏ đá đến đời sống nhân dân là có thật. Hai năm trước, chúng tôi nhận được rất nhiều kiến nghị của nhân dân về ô nhiễm môi trường tại khu vực này. Công ty cũng đã nghiêm túc khắc phục và hỗ trợ người dân. Hai năm trở lại đây, tình hình được cải thiện hơn, chúng tôi chỉ nhận được một ý kiến liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Tuy vậy, những ngày gần đây, người dân lại phản ánh về việc nổ mìn gây bụi, tiếng ồn. Chúng tôi sẽ cử đoàn công tác đến kiểm tra, nếu khu vực nào tiếng ồn, bụi khói ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng đề nghị công ty có phương án di dời cho người dân về chỗ ở khác đảm bảo đời sống, sức khỏe.
Được biết, theo giấy phép của Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp, mỏ đá này sẽ hoạt động đến năm 2037. Chừng ấy năm là quãng thời gian rất dài. Vấn đề bồi thường thiệt hại hỗ trợ cho người dân chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long cần có biện pháp khai thác, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.